Đại học Y Hà Nội thay đổi thời gian đào tạo y, bác sĩ
Sinh viên học trong 6 năm mới chỉ coi là giai đoạn đầu của đào tạo y khoa. Các em cần học thêm nữa mới có thể hành nghề độc lập theo chuyên ngành.
Để hội nhập với nền Y học quốc tế cũng như khắc phục những hạn chế về chương trình đào tạo hiện hành, Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu đổi mới đào tạo Y khoa, đề xuất điều chỉnh khung trình độ, thời gian đào tạo đại học, sau đại học của ngành Y.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội khẳng định, việc đổi mới đào tạo y khoa sẽ được ĐH Y Hà Nội thực hiện một cách toàn diện. Mô hình đào tạo y khoa sẽ có sự thay đổi...
PV: Lý do nào khiến các trường ĐH chuyên đào tạo y khoa phải thay đổi chương trình đào tạo, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Chương trình đào tạo y khoa của Việt Nam đã được thiết kế hàng chục năm nay trong điều kiện lúc đó số lượng sinh viên được đào tạo còn ít, các thầy cô giáo có nhiều thời gian hướng dẫn sinh viên trên lâm sàng.
Tuy nhiên, chương trình giảng dạy nặng về lý thuyết, chồng chéo, ít thực hành, chưa dựa trên chuẩn năng lực đầu ra. Các môn học rời rạc, không gắn kết với nhau khiến người học khó có thể tư duy logic, vận dụng được.
Hiện nay, yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh cao hơn nhiều so với trước đây nên đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng của y bác sĩ phải nâng cao hơn, chuyên khoa hơn.
So với nhu cầu phát triển của y học hiện nay và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, chương trình đào tạo y khoa hiện nay không còn phù hợp, cần phải có sự đổi mới.
PV: Thưa ông, phương hướng đổi mới đào tạo y khoa sẽ gặp những trở ngại nào và ĐH Y Hà Nội có đề xuất giải quyết những khó khăn đó ra sao?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Đổi mới một chương trình đào tạo y khoa đã có hàng chục năm nay chắc chắn là việc rất lớn, sẽ gặp rất nhiều thách thức. Theo đó, chương trình đào tạo, việc tổ chức giảng dạy sẽ được thay đổi, giáo trình và vật liệu dạy học phải được viết lại, câu hỏi đánh giá chương trình phải làm lại... Đây là những công đoạn khó khăn và cần phải có thời gian nên ĐH Y Hà Nội phải xem xét kỹ lưỡng để đổi mới chương trình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hiện có của trường.
Khi đổi mới chương trình đào tạo, các trường ĐH đào tạo y khoa rất cần có nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để sự đổi mới diễn ra một cách hiệu quả và bền vững.
Sinh viên y khoa phải học trên 6 năm mới có thể hành nghề độc lập
PV: Ông có thể cho biết việc đổi mới đào tạo y khoa sẽ được ĐH Y Hà Nội thực hiện theo hướng tích hợp như thế nào?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Chương trình đào tạo sẽ được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực, tích hợp tối đa các môn học thành các học phần; các chuẩn năng lực của mỗi học phần sẽ gắn kết thực sự với chuẩn đầu ra của cả chương trình. Ngoài ra, việc tích hợp còn thể hiện trong mỗi bài giảng, gắn kết kiến thức cơ sở với lâm sàng…
Lộ trình đổi mới đào tạo y khoa của ĐH Y Hà Nội sẽ theo kế hoạch là 3 đến 4 năm chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình, quy trình tổ chức đào tạo, tập huấn giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất... Khi nào toàn bộ khâu chuẩn bị hoàn thiện và nhà trường đánh giá khả thi thì mới cho áp dụng giảng dạy trong thực tiễn.
Dự kiến đến năm học 2019-2020, hy vọng trường ĐH Y Hà Nội có thể áp dụng giảng dạy theo chương trình mới.
PV: Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Chính phủ ban hành, thời gian đào tạo trình độ ĐH rút ngắn 1 năm, xuống còn từ 3 đến 5 năm, thay vì từ 4 đến 6 năm như hiện nay. ĐH Y Hà Nội đón nhận việc rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH đó như thế nào?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được Chính phủ ban hành là một bước tiến rất quan trọng để các trường ĐH hội nhập với quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đây chỉ là khung năng lực đào tạo chung chứ không đề cập cho riêng đào tạo ngành Y.
Nếu chiếu theo khung năng lực mà Chính phủ yêu cầu thì việc đào tạo ngành Y trong 4 năm là có thể đạt được trình độ tương đương Cử nhân, kết thúc 6 năm đạt trình độ Thạc sĩ.
Trước đây, sinh viên học y khoa 6 năm là ra trường hành nghề bác sĩ. Sau đó, họ học thêm chuyên khoa I, chuyên khoa II. Việc vừa đi làm lại đi học như vậy sẽ rời rạc nên việc đi học tiếp chuyên khoa là không chắc chắn. Vì thế, nhiều bác sĩ có thể không đạt được trình độ chuyên khoa nhất định.
Còn theo mô hình đổi mới đào tạo y đang được đề xuất, sinh viên học trong 6 năm mới chỉ coi là giai đoạn đầu của đào tạo y khoa. Để được đào tạo đầy đủ về chuyên khoa, các em phải học tiếp thêm 1 hoặc 2 giai đoạn nữa (3 đến 5 năm hoặc nhiều hơn nữa) thì mới hoàn chỉnh một chương trình đạo tạo y khoa. Lúc đó, người học mới có thể hành nghề độc lập theo chuyên khoa của mình. Việc học tập liên tục như vậy sẽ đào tạo đội ngũ bác sĩ đủ chuyên sâu, hiệu quả hơn trong khám chữa bệnh.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo Bích Lan (VOV)