Tổng cục trưởng Đường bộ nói về cuộc chiến chống xe quá tải
Nhìn nhận lượng xe quá tải tiếp tục giảm, đặc biệt là các xe chở hàng đường dài, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tỷ lệ dưới 10% xe vẫn cố tình chở quá tải chủ yếu là trong địa bàn tỉnh.
“10% xe còn lại chắc chắn dẹp được, cơ bản là thời gian nhanh hay chậm. Tổng cục đề nghị các địa phương phải tăng cường kiểm soát tải trọng để giữ các tuyến đường đường Quốc lộ kể cả tỉnh lộ. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, tiền bảo trì đường sá hàng năm phân bổ từng đồng, để đường hỏng thì dân tỉnh đó phải đi đường xấu vì chỉ ‘vá đường’ trong điều kiện cho phép,” ông Huyện nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm soát tải trọng xe. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Theo ông Huyện, vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải. Các xe vi phạm chủ yếu là các xe chở nông, lâm sản, chở đất, đá, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án xây dựng dân dụng, giao thông.
Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục, lực lượng chức năng một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực, các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông trên địa bàn, chủ yếu lưu thông đường ngắn, qua địa bàn một số tỉnh, thành phố, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Đặt câu hỏi đến việc xe quá tải “né” trạm cân hay có sự bảo kê, ông Huyện cho biết, một số chuyến đi vi hành bất ngờ thời gian qua phần nào phản ánh rõ thực trạng xe quá tải hiện nay khi các đối tượng bảo kê, “cò mồi” theo dõi rất sát sao lực lượng chức năng.
Chính vị Tổng cục trưởng đi thị sát xe quá tải nhưng vừa xuất phát khỏi trụ sở đã có vài 3 xe đeo bám đoàn kiểm tra đi đâu nhằm báo cho các doanh nghiệp. Khi dừng xe truy vấn vì sao đi theo thì các đối tượng này trả lời chống chế “em chỉ đi chơi thôi, có đi theo các bác đâu”, biết bị phát hiện lái xe quay về không bám theo đoàn nữa.
“Những đối tượng này theo tìm hiểu thì được trả lương 3 triệu/tháng, hầu như ngày nào cũng ngồi trực chờ quán nước đối diện trụ sở Tổng cục nên nhận diện được hết lực lượng thanh tra. Thậm chí, có lần chính tôi dùng xe biển trắng đi thực tế mà ‘cò mồi’ vẫn biết,” ông Huyện tiết lộ.
Trả lời vì sao 10% số xe quá tải còn lại khó xử lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ bày tỏ quan điểm, đây là những đối tượng cố tình chây ì, khi “cò mồi” báo động là tìm mọi cách né tránh, trong khi lực lượng công vụ ít nên khó kiểm soát.
Thậm chí, ông Huyện thừa nhận, lực lượng bảo kê có thể chính là trong lực lượng công vụ hoặc có chức sắc nên vẫn còn. Lực lượng thực thi công vụ địa phương vẫn nể các doanh nghiệp vận tải. Tổng cục đề nghị các tỉnh xử lý quyết liệt không vì nể nang lợi ích một số doanh nghiệp hay nhóm nhỏ mất đi sự đồng thuận, ủng hộ cao, nhận thức của chủ xe, lái xe, doanh nghiệp vận tải.
“Xe đường dài không vi phạm vì không thể bảo kê được dọc đất nước, chủ yếu là nội tỉnh. Tỉnh không làm thì đi đường xấu. Nếu địa phương nào có điểm nóng, tỉnh cả nể lơi là triển khai cân xe quá tải thì Thanh tra Tổng cục phối hợp xử lý vi phạm, phối hợp làm với mức phạt cao để mang tính răn đe thì mới tốt hơn,” người đứng đầu Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Đặc biệt, qua các đợt cao điểm, Tổng cục cũng yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ phối hợp, kiểm tra chéo nhau trong công tác kiểm soát tải trọng xe nhằm tránh tiêu cực vì cuộc chiến chống xe quá tải không chỉ giữ đường mà quan trọng nhất là cứu người tử vong bởi chở nặng rất dễ gây tai nạn giao thông.
Về giải pháp siết xe quá tải, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư triển khai lắp đặt cân tại trạm thu phí nhằm hiển thị dữ liệu gửi về doanh nghiệp chở hàng quá tải đề nghị Sở Giao thông Vận tải đến xử lý hoặc nhắc nhở, phạt nguội. Dự kiến đến giữa tháng 6/2017 mới hoàn thành bởi liên quan đến độ chính xác, công khai minh bạch kết nối về máy chủ Tổng cục đồng thời lực lượng thực thi công vụ đỡ vất vả trong quá trình kiểm tra xe quá tải.
Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân và Sở Giao thông Vận tải các địa phương trong công tác kiểm soát tải trọng xe, tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng (kho bãi, bến cảng, nhà máy, xí nghiệp…) đồng thời kiểm tra đột xuất những điểm có tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả kiểm tra tải trọng xe; thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh có thời hạn theo quy định…
Theo VIỆT HÙNG (Vietnam+)