Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016:
Chung tay xây đắp hạnh phúc gia đình
Chén bát còn có lúc xô, huống chi vợ chồng. Mâu thuẫn trong đời sống gia đình hầu như không thể tránh khỏi, điều quan trọng nhất là hai người “nhìn về một hướng” để tìm cách tháo gỡ. Cùng với đó, sự can thiệp kịp thời, hợp lý của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội ở cơ sở cũng đóng vai trò quan trọng.
Thực tế đó đã được kiểm chứng qua câu chuyện của 2 gia đình ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước: anh Nguyễn Hữu Phước - chị Lê Thị Ánh Nguyệt (thôn Xuân Phương) và anh Trịnh Ngọc Minh - chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Lộc Thượng).
Cảnh nhà êm ấm của gia đình anh Phước, chị Nguyệt.
Gương vỡ lại lành
Chúng tôi đến thăm nhà anh Phước - chị Nguyệt khi chị đang dở tay trên máy may, còn anh loay hoay sửa một bàn may bên cạnh. Vừa làm, 2 người vừa chuyện trò vui vẻ, không khí càng rộn ràng khi cậu con trai nhỏ Nguyễn Hữu Thiện Phương vừa đi học về (anh con trai lớn Nguyễn Hữu Thiện đang học đại học xa nhà). Nhìn cảnh nhà ấm êm hôm nay, ít ai nghĩ rằng, đã có lúc gia đình này đứng trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”.
Nhớ lại những tháng ngày khủng hoảng đó, chị Nguyệt lại rơi nước mắt: “Chưa bao giờ nghĩ chồng lại đánh mình, vậy mà chuyện đó lại xảy ra. Cũng vì nhà nghèo, mình làm khổ quá, lời qua tiếng lại miết nên mới vậy”. Giận chồng, chị bỏ về nhà mẹ, đi làm công nhân may, mặc 3 cha con “tự bơi”.
Thiếu vắng sự quán xuyến của vợ, chật vật lo cho 2 đứa con nhỏ, anh Phước mới thấy vai trò của vợ quan trọng như thế nào. Anh chủ động làm lành, từng bước “níu” chị về. “Bạo lực gia đình không chỉ là cú tát hay cái đạp, đôi khi vài lời nói của vợ cũng gây áp lực rất lớn, khiến tôi không đủ bình tĩnh. Khi tất cả đã qua, nhìn lại mới thấy mình sai”, anh Phước tâm sự.
Trong khi đó, mâu thuẫn trong gia đình anh Minh- chị Thanh lại bắt nguồn tự sự ghen tuông quá đà của chị. Sau khi sinh con trai thứ 3, chị bị trầm cảm nặng. Cuồng ghen, nghe lời một “bà thầy” cùng xóm, chị treo gương “chiếu yêu” khắp nhà, đập tan tành mấy thứ đồ cổ yêu thích của chồng... “Nửa đêm, tui đi vệ sinh vào, bả giật mình dậy vặn vẹo có phải tui mới đi bồ bịch về phải không. Cuộc sống gia đình cứ thế nặng nề, bế tắc”, anh Minh kể. Mà cũng tại tính anh hay đùa dai giỡn dại, vợ ghen mà còn đổ dầu vào lửa: “Tui có tán ai thì cũng lựa người đẹp hơn bà, chứ con đó xấu òm”.
No mất ngon, giận mất khôn. Anh đánh chị, chị đòi li dị. Phải hơn 10 năm trời u ám mới tan, chị tiếp tục là người vợ đảm, nổi tiếng cả xã vì chịu thương chịu khó. Anh làm thợ hồ, nay Phú Yên mai Quảng Ngãi, nhưng “đi đâu thì đi, chứ giờ hơi đâu mà ghen”, chị cười hiền hậu.
Anh Minh, chị Thanh kể lại quãng thời gian “khủng hoảng” của gia đình mình.
Mưa dầm thấm lâu
Kể lại thì rất trơn tru, nhưng những người trong cuộc đều khẳng định, khó có thể nói hết khó khăn trong quá trình xóa bỏ mâu thuẫn, bạo lực gia đình, vượt qua sóng gió để đắp xây hạnh phúc. “Nếu không có sự quan tâm sâu sát, giúp đỡ tận tình, phân tích phải trái của cán bộ địa phương, chắc chắn gia đình tôi không có được ngày hôm nay”, anh Minh khẳng định.
Còn anh Phước thì không thể quên những lời tư vấn kịp thời của cán bộ thôn trong lúc anh bối rối nhất. “Khi vợ bỏ nhà đi, mấy ảnh nói, miễn em gọi điện mà vợ bắt máy nghĩa là còn cơ hội, cứ cố gắng làm vợ dịu lại”, anh Phước kể. Ông Lê Hoài Ân, Phó thôn - thành viên tổ phòng chống bạo lực gia đình của thôn Xuân Phương, tâm sự rằng, cặp vợ chồng này đã từng khiến cán bộ cơ sở “lao tâm khổ tứ” rất nhiều, phải hết sức kiên nhẫn để vận động theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Song, khi đã dành nhiều tâm sức giúp họ vượt qua khó khăn, tìm lại hạnh phúc, những người “vác tù và hàng tổng” như ông Ân cũng như được vui lây.
Trên đây là 2 trường hợp tiêu biểu được can thiệp hiệu quả từ Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Phước Sơn, được Sở LĐ-TB&XH triển khai từ năm 2013. Mô hình này là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 4 của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 về “Hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội (UBND xã Phước Sơn), từ khi mô hình được triển khai, quan niệm, hành vi về bình đẳng giới trong đời sống gia đình tại xã ngày càng chuyển biến theo hướng tích cực. Khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam đã giảm nhiều; số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn xã giảm đáng kể. “Năm 2013 còn 2 trường hợp bạo lực gia đình, 2 năm tiếp theo không xảy ra trường hợp nào”, ông Thiện cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG
“Việc thực hiện Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới giúp người dân tại khu vực thực hiện dự án nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Thông qua mô hình cũng đã hình thành và duy trì đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở. Chúng tôi đã đề nghị Trung ương hỗ trợ, cùng với kinh phí của địa phương để tổ chức và nhân rộng mô hình này ở các địa phương còn lại, cũng như thực hiện nhiều mô hình trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ”.
Bà LÊ THỊ VINH HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH