Bước qua nghịch cảnh
Trong xã hội vẫn còn rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, có những người thay vì nhẫn nhục chịu đựng đã tự mình đứng lên, vượt qua bất bình đẳng và làm lại cuộc đời.
Quen biết ca sĩ Kiều Lệ đã lâu, nhưng tôi thật sự bất ngờ khi được nghe chị chia sẻ về quãng đời tủi cực của mình tại chương trình Tọa đàm về bình đẳng giới được tổ chức vào tối 14.11.
Chị Kiều Lệ (phải) chia sẻ về câu chuyện đời mình tại chương trình Tọa đàm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Năm 19 tuổi, chị gặp và yêu người chồng đầu tiên. Dù bị gia đình ngăn cấm, chị vẫn quyết tâm đến với anh bằng suy nghĩ chỉ cần tình yêu chân thật là đủ để vun đắp một mái ấm. Sau khi ra riêng, thu nhập từ nghề hát không đủ chăm lo cho gia đình, chị chuyển sang buôn bán. Làm bất kể ngày đêm, chăm chồng nuôi con, chị quên cả chăm sóc bản thân, ngày càng tiều tụy nên dần dần bị chồng chê. Anh có người phụ nữ khác, đòi ly hôn, chị cố tìm mọi cách níu giữ nhưng bất thành.
Chị kể, suốt 13 năm làm vợ, chị đã phải chịu không ít trận đòn, có cả trận thập tử nhất sinh. Nghiêm trọng nhất là khi chị đang mang thai tháng thứ 2. Một đêm, chồng nhậu về khuya kêu cửa, nhưng chị ngủ trên tầng 2 không nghe. Đến khi chị xuống, vừa mở cửa ra thì đã lãnh trọn những cú tát như trời giáng. Đêm ấy, cơn thịnh nộ đổ xuống đầu chị. Cùng đường, chị chạy lên tầng 2, nhảy qua cửa sổ xuống đất. “Lúc ấy mình chỉ nghĩ được là phải sống, phải sống đã”, chị bồi hồi nhớ lại.
Cú ngã từ trên cao khiến chị mất đứa con trong bụng. Chị được nhà ngoại đón về chăm sóc. Sau trận đòn ấy, chị nhận ra chẳng còn gì để níu giữ cuộc hôn nhân với người chồng đó nữa. Chị đã chấp nhận ra đi tay trắng để được quyền nuôi con sau ly hôn. Sau đó là những ngày tháng nhọc nhằn một mình nuôi 2 con nhỏ. Vượt qua nhiều trắc trở, nay chị đã có mái ấm mới, hai con học hành đàng hoàng.
Đi qua giông tố từ cuộc hôn nhân đầu, rồi được hưởng những ngọt ngào của hạnh phúc mới, chị thấm thía bài học: phụ nữ phải biết làm đẹp, yêu bản thân; đừng khăng khăng cho rằng cứ chăm lo cho chồng thì sẽ được chồng thương. “Cái đẹp không chỉ ở bên ngoài, nó còn là sức hút từ sự tự tin và những phẩm chất bên trong. Có yêu bản thân thì mới làm cho mình vui, mới lan tỏa sự yêu đời và khiến người khác yêu mình”, chị đúc kết.
MAI LÂM
Hãy lên tiếng!
“Phụ nữ trước hết phải bảo vệ mình, khi xảy ra mâu thuẫn nên mềm mỏng, “chồng giận thì vợ bớt lời/cơm sôi nhỏ lửa thì đời nào khê”. Khi cãi cọ thì phải giữ khoảng cách về không gian (đừng xông xông tới gần) và tâm lý (không nên bới móc, xỉa xói những hạn chế của chồng). Khi bị dọa đánh thì không nên thách thức, kiểu “ông giỏi ông đánh tôi đi”. Khi bạo lực xảy ra liên tiếp thì phải lên tiếng, không được theo quan niệm “nói ra xấu thiếp hổ chàng”. Cuối cùng nếu người chồng không thay đổi thì li hôn, vì người đó không còn là nửa kia của mình. Mặt khác, phụ nữ phải nâng cao vai trò, vị trí của mình trong đời sống gia đình và xã hội; tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, không dựa dẫm; không tiêu hoang, cờ bạc… Sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn gia đình là vô đạo đức”.
Thạc sĩ LÊ ĐỨC KHIẾT, Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục - Công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn