KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG TRUNG HỌC KINH TẾ - KỸ THUẬT BÌNH ĐỊNH:
Đồng hành cùng sự nghiệp đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp
40 năm (1976-2016) với không ít thăng trầm, Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định (THKTKTBĐ) vẫn giữ vững vị thế là đơn vị đào tạo uy tín, cung cấp nhiều lao động chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp.
Tiền thân của Trường THKTKTBĐ là Trường Trung học Nông nghiệp Nghĩa Bình, được thành lập ngày 30.4.1976. Năm 1989, Trường đổi tên thành Trường Trung học Nông lâm nghiệp Bình Định. Từ năm 1996 đến nay, Trường mang tên Trường THKTKTBĐ.
Thăng trầm
Sau khi tuyển sinh khóa đầu tiên, tháng 12.1977, Trường nhận quyết định chuyển từ thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn lên rừng Bường, thôn Lộc Giang, xã Ân Tường, huyện Hoài Ân để xây dựng cơ sở mới. Giai đoạn 1976 - 1986, trên mảnh đất hoang vu, thiếu thốn và cách trở, những thế hệ thầy và trò đầu tiên của nhà trường đã làm nên những thành quả đáng tự hào.
Cô và trò Trường THKTKTBĐ trong một tiết thực hành trồng trọt.
Để vượt qua khó khăn, thầy và trò đã chung sức, chung lòng cho nhiệm vụ vừa giảng dạy, học tập, vừa lao động, xây dựng. Lò gạch ngói với công suất 1,5 triệu viên/năm ra đời từ bàn tay của thầy và trò. Nhờ đó, sau 10 năm, cảnh “nhà tranh vách đất” của ngày đầu đã nhường chỗ cho một cơ ngơi khá đầy đủ, hoàn chỉnh với hệ thống hội trường, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng truyền thống, thư viện, nhà ăn... Cơ sở sản xuất, thực hành, thực tập bề thế với trên 30 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày; trại chăn nuôi với hơn 40 lợn nái sinh sản, 60 lợn thịt, 30 trâu bò, cả ngàn con gia cầm, ao cá nước ngọt 800m2; một đội cơ khí gồm 5 đầu máy MTZ50 và nhiều trang thiết bị khác... Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở thời điểm cao nhất (năm 1987) có hơn 200 người, trong đó có 80 giáo viên.
Giai đoạn từ năm 1984 đến 1988, nhà trường đứng trước khó khăn mới khi sáp nhập với Trường Cán bộ quản lý HTXNN tỉnh, phải một lúc quản lý, điều hành hai cơ sở cách nhau gần 100km, từng bước chuyển về cơ sở ở An Nhơn và xây dựng lại cơ sở vật chất. Sự thay đổi về cơ chế quản lý trong nông nghiệp những năm sau đổi mới tác động rất nhiều đến nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, dẫn đến quy mô đào tạo giảm mạnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên biến động bởi việc tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, nhiều cán bộ giáo viên chuyển công tác.
Xác định tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới là cơ sở để vượt qua trở ngại, Ban giám hiệu nhà trường và cán bộ, giáo viên đã dày công nghiên cứu nhu cầu đào tạo; nâng cao trình độ; liên kết với các trường ĐH, THCN để đa dạng hóa ngành nghề, loại hình đào tạo, trong đó, đặc biệt đẩy mạnh liên kết đào tạo hệ Đại học tại chức. Nhờ vậy, hoạt động đào tạo của nhà trường dần đi vào ổn định. Quy mô đào tạo có thời điểm đạt trên 1.500 người. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là 89 người; trong đó có 61 giáo viên với trên 50% có trình độ thạc sĩ.
Tập trung cho mục tiêu mới
“Từ mái trường này, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh đã trưởng thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà, nhiều người giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh, trong các doanh nghiệp”
Nhà giáo ưu tú Hoàng Đức Lân, nguyên Hiệu trưởng Trường THKTKTBĐ
Từ năm 2012 đến nay, Trường THKTKTBĐ nhận thêm nhiệm vụ mới theo yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Đó là bồi dưỡng, tập huấn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; đào tạo nghề nông nghiệp Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân chủ chốt trong tỉnh theo Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp - LCASP”...
Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp gặp khó về tuyển sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết, vượt khó để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Theo ông Đồng Vĩnh Ký, Hiệu trưởng nhà trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho ngành nông nghiệp hiện đại vẫn là thế mạnh của trường. Ở giai đoạn này, việc đào tạo sẽ gắn chặt với doanh nghiệp, nhà máy, trạm, trại chăn nuôi... Đây là cách thức để tạo điều kiện cho học viên tiếp cận kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng tay nghề, từ đó giữ vững uy tín đào tạo. Song song với đó, nhà trường cũng đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề, loại hình đào tạo thông qua các hình thức liên kết đào tạo.
“Mặt khác, nhà trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự án nâng cấp lên trường Cao đẳng (đã được UBND tỉnh phê duyệt và HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 08/2010/NQ-HĐND) bằng cách xây dựng đội ngũ quản lý, giảng dạy phù hợp với tiêu chuẩn mới, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể nhà trường tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, Hiệu trưởng Đồng Vĩnh Ký chia sẻ thêm.
NGUYỄN MUỘI
Ông Nguyễn Xuân Thưởng, cựu học viên khóa I, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tâm sự: “40 năm trước, thầy giáo không có áo vest, cà vạt, giày da; cô giáo không có áo dài; tiết học không có thiết bị trợ giảng hiện đại, giáo cụ trực quan; nhưng với tấm lòng nhiệt tình, trong sáng, các thầy cô đã truyền thụ những kiến thức hữu ích, thiết thực nhất. Tôi nhớ mãi những buổi thực hành, thực tập ở trại trường, đợt thực tập ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước, học viên lội đồng để cùng cơ sở xây dựng hệ thống định mức lao động, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân tích hiệu quả kinh tế…
Thế giới ngày càng phẳng hơn, phương tiện và công nghệ ngày càng hiện đại, phương pháp đào tạo cũng đã có nhiều đổi mới nhưng nguyên lý dạy và học của Trường THKTKTBĐ ở những năm đầu vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn”.