Mát rượi một ngọn nồm
Tại buổi trao Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội - bài chòi Bình Định lần thứ IV - 2016 (diễn ra ngày 18.11, tại TP Quy Nhơn), gia đình nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn giới thiệu một cuốn sách lưu niệm về ông: “Ngọn gió từ Vũng Nồm” (NXB Hội Nhà văn, 2016). Từ sách, những người yêu quý Vũ Ngọc Liễn như gặp lại ông, biết đến hoặc rõ thêm về sự nghiệp, những nét nổi bật trong tính cách của con người đáng kính này…
Bìa sách “Ngọn gió từ Vũng Nồm”.
Cuốn sách lưu niệm về “nhà Đào Tấn học” gói ghém thông tin cô đọng về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, cả giấc ngủ vĩnh hằng của ông. Đặc biệt, ở đó tập hợp nhiều bài viết về ông - những bài chân dung sắc sảo hay những mẫu cảm nhận, hồi ức thấm đẫm tình cảm tiếc nhớ, kính trọng - thật sự là món quà lưu niệm đơn sơ nhưng quý giá cho những ai yêu mến Vũ Ngọc Liễn.
Sách do hai con trai: TS. Võ Ngọc Vĩnh, nhà thơ Võ Ngọc Thọ, cùng những người “bạn nhỏ”: nhà văn Lê Hoài Lương, Th.S.- nhà giáo Trần Hà Nam, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Hoánh tuyển chọn (gồm các phần: lời gia đình, thân thế và sự nghiệp, lan tỏa và đồng vọng, giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội - bài chòi Bình Định, ung dung cưỡi hạc về trời, tinh hoa gửi lại cho đời và phụ lục).
Đọc những bài viết về Vũ Ngọc Liễn trong cuốn sách này, nhất là những bài được viết sau khi ông từ giã cuộc đời: Văn tế Vũ tiên sinh, Nhớ Vũ tiên sinh (Trần Hà Nam); Ðã ngưng lặng một tiếng trống chầu, Có người đi mãi trong thế gian này, Tết này không có hoa thủy tiên (Lê Hoài Lương); Giã biệt người coi sóc di sản Ðào Tấn (Xuân Ba); Lão ngoan đồng ở Quy Nhơn (Văn Trọng Hùng)… tôi thấy ông thật may mắn và hạnh phúc. Khi còn sống, ông vẫn biết mình có nhiều bạn (một cách gọi chung), bạn tốt, được bạn yêu quý. Khi ông đi xa rồi, nhất là lúc này đây, đọc từng bài viết người khác nhớ ông, tôi mong sao ở miền cực lạc, ông có thể biết mình đã được, vẫn sẽ mãi được yêu quý, tiếc nhớ đến mức nào. Tình cảm ấy, niềm hạnh phúc ấy, không nhiều người có được.
Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn khuyến tài hát bội - bài chòi Bình Định năm 2016 này là đến lần trao thứ Tư, nghĩa là 3 năm rồi người sáng lập giải thưởng này đi xa. Tôi tin, với một số người không là máu mủ với ông, đó vẫn là một nỗi hẫng hụt mênh mông mà thời gian bao lâu nữa cũng khó lấp đầy. Cách yêu ông, nhớ ông nhất chính là phần nào giúp ông tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp tuồng một đời ông đeo đuổi. Hi vọng những tài năng, năng khiếu hát bội, bài chòi nhận tặng thưởng này, tuy giá trị vật chất rất nhỏ, có thể hiểu được tấm lòng “khuyến tài” của ông…
KHẢI THƯ