Xét giảm thời gian thử thách của án treo, thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ:
Cơ hội cho nhiều bị án
Dù không bị cách ly khỏi xã hội nhưng các bị án đang thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đều bị mất đi một số quyền lợi. Nhằm giúp các bị án cải tạo tốt, được rút ngắn thời gian thử thách, thời gian qua, các ngành liên quan của huyện Tuy Phước đã tiến hành các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để quản lý tốt nhóm đối tượng này; từ đó, nhiều bị án được giảm thời gian thử thách và tái hòa nhập cộng đồng.
Các cơ quan chức năng liên quan của huyện Tuy Phước trao đổi công tác quản lý, giáo dục và xét giảm thời gian thử thách cho các bị án đang thi hành án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ tại địa phương.
Với hành vi trộm cắp tài sản, V.S.H. (SN 1975, ở thị trấn Tuy Phước) bị TAND huyện tuyên phạt mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo và 36 tháng thử thách. Dù không bị cách ly khỏi xã hội, vẫn được đơn vị công tác tạo điều kiện cho tiếp tục làm việc, nhưng bị án H. đã bị cắt giảm một số quyền lợi như: tăng lương, xét danh hiệu Lao động tiên tiến. Được sự quan tâm của cơ quan, các hội, đoàn thể tại địa phương thông qua việc gặp gỡ thường xuyên để động viên và nỗ lực của bản thân, H. đã cố gắng cải tạo tốt, tuân thủ, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nên đã được cơ quan thi hành án xem xét và quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Anh H. chia sẻ: “Tôi thấy rất nhẹ nhõm và thấy được động viên rất nhiều vì thời điểm xét giảm án, tôi còn 13 tháng thử thách, nhưng được xét giảm 6 tháng. Nhờ vậy, cuối năm nay, tôi sẽ được xét xếp loại thi đua tại đơn vị. Ngoài ra, các quyền lợi khác của tôi cũng được phục hồi”.
Toàn huyện Tuy Phước đang có 96 bị án đang hưởng án treo và 15 trường hợp cải tạo không giam giữ. Từ đầu năm đến nay, có 7 trường hợp đã được xét giảm thời gian thử thách. Để công tác giám sát, quản lý án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện được đảm bảo, từ đầu năm đến nay, Viện KSND huyện, Công an huyện phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 5 đợt kiểm tra công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ tại các địa phương. Ông Nguyễn Công Binh, Viện trưởng Viện KSND huyện Tuy Phước, cho biết: “Qua công tác kiểm tra, chúng tôi đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong công tác này tại địa phương. Từ đó, ban hành kiến nghị yêu cầu chủ tịch UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan khắc phục và nhắc nhở các bị án làm đơn để xem xét giảm án, đảm bảo quyền lợi của bị án. Một khi việc chấp hành quy định về thủ tục, trách nhiệm giám sát và giáo dục đối tượng bị phạt tù cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại các địa phương được đảm bảo, thì quyền lợi của bị án cũng sẽ được đảm bảo”.
Đây cũng chính là lý do mà nhiều xã trên địa bàn huyện Tuy Phước đã chú trọng công tác này. Như tại thị trấn Diêu Trì, để quản lý, giáo dục tốt 12 bị án đang thi hành án treo, Ban chỉ đạo của xã chủ động quản lý đầy đủ hồ sơ và bị án tại địa phương. Hầu hết các bị án đều chấp hành nghiêm pháp luật thi hành án hình sự; hàng quý các bị án tự giác làm bản tự kiểm điểm gửi cho người trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục để nhận xét, đánh giá và gửi cho cấp trên nhận xét theo đúng quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự. Trong quá trình xem xét, UBND thị trấn lập hồ sơ đề nghị Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện làm thủ tục đề nghị TAND huyện xét giảm thời gian thử thách cho bị án đã chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú, có thái độ thi hành án tốt.
Bị án Đ.V.T. (SN 1953) bị tuyên mức án 4 năm tù, cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thời gian thử thách 4 năm, bày tỏ: “Lớn tuổi lại còn mang án, thật sự tôi thấy rất nặng nề. Việc được xét giảm thời gian thử thách là động lực để tôi tiếp tục cải tạo tốt”.
Có thể thấy, làm tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với án treo và cải tạo không giam giữ không những đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục, ngăn ngừa người bị kết án tái phạm; có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với những người khác, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
K.ANH