Thầy Vịnh với “Bàn tay nặn bột”
Ðổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài mà ngành GD&ÐT đang hướng tới. Nhiều năm qua, đã có những cán bộ, giáo viên nỗ lực nghiên cứu, vận dụng các phương pháp dạy học mới. Ðáng chú ý trong số này là Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh, chuyên viên Sở GD&ÐT, với phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột.
Thầy Lê Ngọc Vịnh biết về Bàn tay nặn bột từ những năm 2011, khi được tham gia thẩm định tài liệu phương pháp Bàn tay nặn bột môn Hóa học do Bộ GD&ĐT biên soạn. Từ đó, anh nhận thấy con đường tìm ra kiến thức mới của học sinh gần giống với con đường tìm ra cái mới của các nhà khoa học - là lĩnh hội kiến thức thông qua thực nghiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (đứng giữa) trao Cúp vinh danh trí thức tiêu biểu về Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Định lần thứ Nhất, năm 2016, cho Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh.
Bàn tay nặn bột - một phương pháp dạy học tốt
Học theo cách đó, học sinh sẽ khắc sâu kiến thức, phát triển các năng lực như năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tự học... cùng những phẩm chất khác như trung thực, tự trọng, chí công vô tư; tự lập, tự tin, tự chủ và tinh thần vượt khó...
“Anh thường xuyên nghĩ ra cách này, cách nọ để có thể vận dụng ít nhiều phương pháp ấy vào điều kiện thực tế của tỉnh ta, cốt sao cho việc dạy và học môn Hóa bớt nhọc nhằn, mà chất lượng được nâng lên”
“Điều tôi tâm đắc nhất là qua phương pháp này, năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh và năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của giáo viên sẽ được hình thành và phát triển”- anh Vịnh chia sẻ vậy.
Khi UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT, và Sở chọn anh làm Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy học Hóa học ở trường THCS tỉnh Bình Định”, suốt ba năm, anh lao vào nghiên cứu, tìm tòi thật kỹ lưỡng các điều kiện dạy học, những điều gì giáo viên và học sinh cần để triển khai hiệu quả phương pháp ấy.
“Tôi đã soạn hai chuyên đề hướng dẫn cụ thể giáo viên cách thiết kế, tổ chức các hoạt động dạy và học, đánh giá dạy học bằng phương pháp Bàn tay nặn bột; 2 chuyên đề về kỹ năng nghiên cứu khoa học của học sinh, biện pháp phát triển và đánh giá kỹ năng này; 1 chuyên đề về nghiên cứu khoa học sư phạm của giáo viên môn Hóa học với các ví dụ minh họa và các đề tài cụ thể” - anh Vịnh nói.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Ngoài ra, anh còn tổ chức soạn và dạy 17 chủ đề, ghi 2 băng hình để minh họa, đặc biệt có 1 chuyên đề đánh giá tác động của phương pháp với đầy đủ các luận chứng khoa học, chứng tỏ phương pháp này phát triển tốt năng lực khoa học cho học sinh. Đồng thời, xây dựng được 3 mô hình dạy học bằng phương pháp Bàn tay nặn bột tại 3 trường THCS: Ngô Mây, thị trấn Phù Mỹ, Hoài Đức.
Đề tài do Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu của tỉnh xếp loại Xuất sắc và được triển khai rộng rãi trong toàn ngành. Kết quả nghiên cứu về Bàn tay nặn bột của anh được công bố trên nhiều tạp chí giáo dục chuyên ngành tại Việt Nam. Trong đó, một số bài được Bộ GD&ĐT dùng làm tài liệu tham khảo để xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên THPT toàn quốc.
Năng động và không ngừng sáng tạo
Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh nguyên là giáo viên dạy Hóa Trường THPT số 1 Phù Cát được chuyển về làm chuyên viên phụ trách môn Hóa Sở GD&ĐT. Ở vị trí nào, anh cũng nỗ lực làm thật tốt nhiệm vụ được giao như: dự giờ, giúp giáo viên tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động giảng dạy; xây dựng kế hoạch, tổ chức hội thảo, tập huấn cho giáo viên và cùng cơ sở từng bước thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới. Đến nay, 100% giáo viên dạy Hóa học ở các trường THCS và THPT trong tỉnh đều từng bước áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.
Về nhiệm vụ triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột, theo Thạc sĩ Trần Văn Cơ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), hầu hết các trường THCS đã triển khai thực hiện hiệu quả, giúp học sinh hứng thú học tập và ngày càng tiến bộ. Anh Vịnh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tham mưu được những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Hơn 10 năm là Tổ trưởng Tổ bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học, anh Vịnh cũng không ngừng nghiên cứu, định hướng cụ thể về nội dung bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Kết quả, trong 3 năm qua, môn Hóa có 18 học sinh giỏi Quốc gia.
Chuyện trò với Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh không lúc nào thiếu những điều trăn trở, bởi điều kiện dạy học hiện nay còn khá “chật chội”, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khi áp dụng những phương pháp mới, kể cả với Bàn tay nặn bột. Bởi vậy, anh thường xuyên nghĩ ra cách này, cách nọ để có thể vận dụng ít nhiều phương pháp ấy vào điều kiện thực tế của tỉnh ta, cốt sao cho việc dạy học môn Hóa bớt nhọc nhằn, mà chất lượng được nâng lên.
Cán bộ quản lý, giáo viên giỏi ở các đơn vị trực thuộc thường được rút về Sở GD&ĐT làm chuyên viên. Mỗi chuyên viên, ngoài phụ trách một môn học, còn kiêm thêm nhiều việc khác. Vì thế, không phải ai cũng hào hứng “đi lên”. Trong số những người nhận phần “đi lên” ấy, với niềm đam mê, Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh là người đã quyết tâm vượt bao khó khăn lẫn “thiệt thòi”, để việc mình làm, kiến thức môn học mình phụ trách, đạt hiệu quả cao và hữu ích với giáo viên, học sinh các trường.
Các danh hiệu và hình thức khen thưởng:
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016. Năm học 2014-2015, đạt danh hiệu Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2016, được tôn vinh trí thức tiêu biểu về Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Ðịnh lần thứ Nhất.
- Năm học 2014-2015, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm học 2015-2016, nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh. Năm học 2015-2016, được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
NGỌC TÚ