Người già: Đừng để tự hại não mình
Cuộc sống quá an nhàn, thậm chí đến mức thụ động, liệu có thực sự tốt với người già?
Duy trì thể thao đều đặn mỗi ngày cũng là cách giúp rèn luyện trí não ở tuổi già.
- Trong ảnh: Các cụ bà đạp xe thể dục buổi sáng.
Minh mẫn ở tuổi xế chiều
Có dịp tiếp xúc với vợ chồng giáo sư người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị Vật lý quốc tế tại Bình Định - đôi lúc tôi tự hỏi, phải chăng chính sự hoạt động không mệt mỏi của một người làm khoa học và nặng lòng với quê hương đã tiếp “sinh lực” cho ông, tuy tuổi đã vào hàng “bát thập” nhưng so về sự dẻo dai, mẫn tiệp thì người trẻ cũng khó lòng theo nổi.
Mới đây, trên website www.luonglehoang.com của mình, bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Phòng khám EUROVIE, 210A Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh) đăng bài viết “Tự mình hại não”, phản ánh: Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, người lớn tuổi nếu vận động TDTT trong ngày sẽ ít quên hơn người thích ngồi yên tư lự. Người càng có nhiều hoạt động xã hội càng có trí nhớ tốt. Không những vậy, đa số bệnh nhân của bệnh trầm uất là đối tượng trước đó hoặc tự ý tách rời khỏi cộng đồng vì quan điểm sai lầm theo kiểu “mình già rồi nên an phận”, hoặc bị biệt lập một cách oan uổng bởi định kiến “người già khó hợp với trẻ”.
Cách đây không lâu, tôi tình cờ gặp cụ bà tên H.T.G. (nhà ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), ngoài 80 tuổi nhưng phong thái như mới ngoài 70. Cụ ứng đối rất nhanh nhẹn, thậm chí còn “xuất khẩu thành thơ”. Cụ G. tâm sự, hơn chục năm trước, khi chồng cụ mất, có lúc cụ rơi vào trạng thái u uất, ngại tiếp xúc. Được các con động viên, cụ bắt đầu tham gia CLB hưu trí Quy Nhơn, giao lưu với các cụ cao tuổi khác, tập dưỡng sinh và tập làm thơ. “Giờ thì rảnh rỗi tôi làm thơ, nghe nhạc bolero hoặc cùng các phật tử đi chùa, làm từ thiện. Cũng có người nghĩ, chắc tôi lẩn thẩn nên mới sính thơ thẩn, thậm chí còn dám lên sân khấu đọc thơ mình tặng bạn bè, và còn đi nghe nhạc sống bolero nữa. Nói gì thì nói, nhưng rõ ràng, tôi thấy tinh thần phấn khởi hơn nhiều lắm. Các con còn khuyến khích tôi bằng cách hỗ trợ tiền để in cho tôi 3 tập thơ nữa kia” - cụ G. chia sẻ.
Tập cách đừng tự hại não mình
Một trong những căn bệnh đáng sợ nhất ở tuổi già là suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.
Nhưng, nói như bác sĩ Lương Lễ Hoàng, muốn não “bén nhọn” như xưa mà không tập luyện thì chẳng khác nào đi thi mà chưa học bài. Bởi vậy, có thể luyện tập bằng nhiều kiểu và kiểu gì cũng được, như chơi ô chữ, vẽ tranh, học ngoại ngữ, tính toán... Càng có nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước ti vi vì đó là hình thức tai hại vô cùng cho bộ não. Việc duy trì hoạt động thể lực ở người già không cần nhiều nhưng cần đều đặn; cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng thôi như đi bộ, bơi lội, đạp xe, khí công… miễn là ngày nào cũng có.
Kể lại chuyện bà ngoại mình bị lú lẫn đột ngột một cách oan uổng ở tuổi chưa đến 80, chị Q.H. (nhà ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) còn ngậm ngùi: “Trước đó, ngoại tôi vẫn đều đặn đi mua bán ở chợ quê Phù Mỹ thì mấy cậu, dì trong nhà khuyên, má vất vả cả đời rồi, giờ đâu túng thiếu gì mà làm thêm cho cực. Vậy là ngoại nghỉ bán hàng, suốt ngày chỉ vào - ra quanh quẩn ở nhà. Chỉ vài tháng sau thì ngoại lẫn rồi nằm một chỗ, trong khi trước đó vẫn đi bộ đến chợ hàng ngày, vẫn tính toán tiền bạc rất rành mạch”.
Đến giờ, ở tuổi 84, cụ H.M.T. (nhà ở đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) vẫn duy trì thói quen sau khi đọc báo buổi sáng thì tìm kiếm, sàng lọc và kết nối thông tin liên quan đến việc tìm mộ liệt sĩ thời chống Pháp hy sinh trên chiến trường Bình Định. Mọi thông tin dò hỏi được, cụ đều ghi chép rất cẩn thận trong sổ, lập hẳn một sơ đồ mộ liệt sĩ để tiện theo dõi, phòng khi có thân nhân liệt sĩ nào từ xa đột ngột tìm đến hỏi đều có thể cung cấp thông tin ngay được. Nhờ vậy, cụ T. đã giúp một số gia đình kiếm được mộ liệt sĩ hoặc lần ra manh mối để tiếp tục tìm kiếm.
Chị T.B., con gái của cụ T., kể: “Đôi lúc mẹ tôi cằn nhằn, bảo ba tôi “vác tù và hàng tổng”, từng tuổi này mà còn đi xe đạp ra đường, nhiều rủi ro. Trái lại, chúng tôi động viên ba còn khỏe thì cứ tiếp tục, giúp người đồng thời cũng là giúp mình. Là bác sĩ nên tôi biết, tuổi già mà không tăng cường hoạt động thể lực lẫn hoạt động trí óc để củng cố sức khỏe và trí nhớ thì không tốt chút nào. Nhờ ra ngoài đi đây đi đó, gặp người nọ người kia, hiện nay ba tôi vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và đặc biệt trí nhớ còn rất tốt, con cháu có khi không bằng”.
NGUYỄN HOÀNG HẢI
Tăng cường trí nhớ ở người già
- Luyện tập trí não: Theo các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, luyện tập trí não là biện pháp giúp tăng cường trí nhớ cực kỳ hiệu quả. Việc luyện tập trí não gồm các hoạt động như đọc sách, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa... hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật để tạo cảm giác thư thái cho cơ thể.
- Tham gia vào các trò chơi vận động trí não như giải đố, tranh luận… vừa giúp cải thiện trí nhớ vừa giúp giảm stress, tăng cường sức dẻo dai cho cơ thể và bộ não.
- Bổ sung hoạt chất có tác dụng tăng cường tác dụng của các chất trung gian dẫn truyền thần kinh, cũng như các dưỡng chất tốt cho não để bảo vệ tế bào thần kinh, tăng cường hoạt huyết nuôi dưỡng não.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/ngày sẽ giúp bộ não làm việc hiệu quả; nhờ đó, tăng cường trí nhớ, củng cố và lưu giữ thông tin tốt hơn.
T.H (Theo benhsasuttritue.vn)