Việt Nam mất 780 triệu USD mỗi năm vì vệ sinh môi trường chưa tốt
Vệ sinh môi trường (VSMT) yếu kém không những làm tăng chi phí khám, chữa bệnh mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mất đi khoảng 780 triệu USD mỗi năm do VSMT chưa tốt.
Các bạn trẻ tham gia chương trình cùng chạy để giúp trẻ em có nhà vệ sinh sạch và an toàn.
Thông tin trên được PGS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đưa ra tại lễ míttinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (19.11), do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Unilever Việt Nam - Nhãn hàng Vim phối hợp tổ chức ngày 19.11 tại Hà Nội.
Theo bà Hương, trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng về phát triển kinh tế, điều kiện sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đến hết năm 2015 mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường nhất là tại các khu vực miền núi. Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Friday Nwaigwe - Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em của UNICEF chỉ rõ: “Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh trong hơn một thập kỷ qua. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh tăng từ 36% năm 1990 lên 78% năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng người dân phóng uế bừa bãi vẫn còn nhiều. Điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến tỷ lệ cao người mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh giun sán. 1/3 trường hợp trẻ tử vong ở trẻ em Việt Nam liên quan đến suy dinh dưỡng, và điều này có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy và giun sán”.
Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nhà vệ sinh hiện nay là do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh tại các cơ quan, trường học, bệnh viện... khiến cho các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành mất vệ sinh. Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đã xác định vệ sinh và nước sạch là mục tiêu quan trọng số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi và năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Vị đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan, trường học hãy quan tâm, đầu tư và chung tay tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh...
Tại lễ míttinh, có nhiều hoạt động được tổ chức để hưởng ứng như: Triển lãm mô hình nhà vệ sinh hợp chuẩn; Trưng bày các thông tin “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”; Hoạt động “Cùng chạy để giúp trẻ em có nhà vệ sinh sạch và an toàn” với sự tham gia của hơn 3 nghìn học sinh, sinh viên; Chung kết hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng”...
Từ năm 2001, Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization) đã lấy ngày 19.11 hàng năm là “Ngày Nhà vệ sinh Thế giới” với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)