Chuyện một người mê chữ
Theo nghề từ năm 17 tuổi, đến nay khi đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông đồ Cao Thoại (78 tuổi, thôn An Ngãi, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) vẫn miệt mài với nghệ thuật thư pháp.
Là con trai của cụ đồ Cao Diêu nổi tiếng văn hay, chữ tốt ở An Nhơn, từ nhỏ ông đã được cha chỉ dạy chu đáo. Khi còn nhỏ, mỗi dịp Tết đến, ông lại phụ xách đồ nghề theo cha đi viết chữ khắp nơi ở các chợ, đình chùa.
Cụ Cao Thoại say sưa với thư pháp chữ Hán.
Ông nhớ lại: “Năm 1945, khi đất nước mới giành độc lập, tôi được 7 tuổi. Khi ấy, giấy, mực khan hiếm, tôi thường tập viết bằng cách lấy than viết lên nền nhà hay lấy que củi viết dưới đất. Chữ nào không hiểu hết nghĩa thì tôi hỏi cha. Đến năm 17 tuổi tôi bắt đầu đi “bán chữ”.
Được 3 năm, tự thấy mình còn non nghề, chưa đủ kinh nghiệm, ông Thoại ngừng hành nghề và tự học, rèn luyện thêm. 10 năm sau, tức năm 30 tuổi, ông Cao Thoại quay lại với nghiệp ông đồ. Lúc này giấy roki bắt đầu xuất hiện, giá lại rẻ, công việc của ông rất thuận lợi. Ông Thoại kể: “Khi đó, người ta hay mua chữ về trang trí nhà cửa, thờ cúng, nhất là vào tháng Chạp, tháng Giêng, lượng người mua đông không kể xiết. Mà người ta chỉ mộ chữ viết tay chứ không ưng chữ in, nên mình có việc quanh năm”.
Chừng 20 năm trở lại đây, khi chữ thêu máy được nhiều người chuộng khi có nhu cầu thờ cúng, người chơi chữ viết tay ngày càng hiếm, người biết và thưởng lãm chữ Hán còn hiếm hơn nữa, thì chúng ta lại càng hiếm gặp cảnh ông đồ “bày mực tàu, giấy đỏ bên phố đông người qua”. Dù giỏi nghề, ông Thoại cũng không phải ngoại lệ. Thỉnh thoảng mới có vài khách quen đến nhà nhờ ông viết vài bức để thờ cúng. Hôm tôi đến nhà, nài nỉ mãi ông mới lấy đồ nghề ra viết tặng cho mấy chữ. Trước mắt tôi là cảnh ông cụ râu tóc bạc phơ đang say sưa với những nét chữ thư pháp.
Dù vậy, không quản tuổi cao, sức yếu, những dịp Tết đến, xuân về, ông Cao Thoại lại khăn đóng, áo the đi khắp các chợ, đình chùa ở TX An Nhơn, đôi khi xuống đến chợ Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) trải chiếu, ngồi viết chữ. Ông chia sẻ: “Ở nhà miết cũng buồn, phần tìm thăm bà con, bạn bè, phần muốn giữ lại một nét văn hóa xưa mà ngày nay ít ai còn thấy, nên tôi còn đi viết chữ là vì thế!”.
HỮU HẬU