Vài điều thú vị về gốm Champa phát hiện tại Bình Định
Năm 2014, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sưu tầm được một chiếc chóe gốm Champa rất đẹp. Chiếc chóe này là sản phẩm của lò gốm Gò Cây Me, thuộc xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn - một trong 6 khu lò gốm cổ Champa phát hiện trên đất Bình Định. Chóe có dáng cao, miệng thẳng, vai xuôi, tráng men màu vàng đậm toàn bộ mặt ngoài; xương gốm dày và cứng; hoa văn trang trí sắc sảo theo kiểu in khuôn. Đặc biệt, trên phần vai chóe chạm nổi dưới men hình 5 con rồng đang há miệng. Chóe có niên đại vào khoảng từ thế kỷ XIII - XV.
Đây cũng là một hiện tượng lạ, bởi lẽ hình tượng rồng không gắn liền với tín ngưỡng Bàlamôn, cực kỳ không phổ biến trong nghệ thuật của người Champa. Hình rồng trên chiếc chóe kể trên ngược lại rất phổ biến ở Đại Việt vào giai đoạn tương đương - các triều đại Lý - Trần - Lê.
Chóe in khuôn hình rồng phát hiện tại khu lò gốm Champa cổ Gò Cây Me thuộc xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn.
Năm 2015, cuộc khai quật khu lò gốm Trường Cửu, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, do Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định phối hợp thực hiện thu được nhiều kết quả đáng chú ý.
Lò gốm Trường Cửu là khu lò gốm đặc trưng sản xuất ra dòng gốm “Gò Sành” nổi tiếng. Bên cạnh những yếu tố quen thuộc của gốm Gò Sành, từ cuộc khai quật, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều mảnh ngói mũi sen và ngói mũi lá bản lớn; mảnh đồ gốm có trang trí họa tiết hoa nâu.
Hũ gốm Champa có trang trí hoa văn hình con voi phát hiện trong cuộc khai quật Giếng cổ ở Bả Canh, Đập Đá, TX An Nhơn.
Ngói mũi lá bản lớn và ngói mũi sen là hai loại ngói đặc trưng của gốm Việt được sử dụng rộng khắp các công trình kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lý - Trần - Lê. Còn đồ gốm có trang trí họa tiết hoa nâu cũng là đặc trưng của gốm Bắc Việt Nam thời Lý - Trần.
Những phát hiện này giúp các nhà khoa học đặt ra nhiều giả thuyết, cần thêm thời gian nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận. Điều có thể nói ngay là 2 phát hiện kể trên phản ánh rõ ràng gốm Champa có mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại với các trung tâm sản xuất gốm Đại Việt. Việc ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa là bình thường, điểm thú vị ở đây là những dấu hiệu kể trên cho thấy gốm Champa đã tiếp thu, chọn lựa những kỹ thuật, mô típ trang trí đặc sắc bậc nhất của gốm Việt.
NGUYÊN VIỆT