Một giáo viên tận tụy với nghề
Đó là cô Hồ Thị Nghiệm, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ. Có thể nói, 27 năm đứng trên bục giảng cũng là 27 năm cô Nghiệm dành hết tâm sức cho những lứa học trò thân yêu của mình.
Năm 1989, khi đó mới 18 tuổi, cô Hồ Thị Nghiệm được phân công về giảng dạy ở Trường Tiểu học Mỹ Lộc. Khi đó, xã Mỹ Lộc có nhiều điểm trường lẻ, cách xa hàng chục cây số đường đất, đá. Vậy nhưng, với chiếc xe đạp cọc cạch, hàng ngày cô Nghiệm vẫn đều đặn đến tận khu kinh tế mới Cửu Thành lên lớp.
Cô Nghiệm kể: Được đi dạy với tôi là niềm hạnh phúc. Nhiều hôm trời nắng như đổ lửa, nước mang theo uống sạch ở dọc đường, vừa đến nơi phải vào ngay nhà dân xin nước uống cho lại sức. Xong đâu đó lại quày quả vào lớp, sợ học trò trông ngóng lâu”. Khó, khổ vậy nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa cô Nghiệm vẫn đều chân đến lớp, chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.
Cô giáo Hồ Thị Nghiệm và học sinh trong một giờ lên lớp.
Nổi tiếng là cô giáo thương học trò, cô giáo Nghiệm biết rõ hoàn cảnh của từng em khi vừa nhận lớp. Không chỉ thường xuyên liên hệ với cha mẹ học sinh, cô Nghiệm còn chịu khó quan sát để nắm bắt tính cách của từng em, qua đó áp dụng những cách giáo dục, uốn nắn, định hướng phát triển khác nhau. “Giáo viên tiểu học, không chỉ dạy chữ, mà còn phải uốn nắn luôn cả tính nết, định hướng để các em hoàn thiện nhân cách” - cô giáo Nghiệm tâm sự.
Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường, phối hợp với Xã đoàn hỗ trợ thiết thực để các em có thêm động cơ, nghị lực đến lớp. Nhiều học sinh tưởng chừng không còn cơ hội để tiếp tục việc học, nhưng nhờ tình yêu thương của cô Nghiệm đã vượt qua khó khăn. Đối với học sinh giỏi, có năng khiếu, cô Nghiệm giúp các em theo đuổi đam mê, phát triển năng khiếu.
Cô Nghiệm là một trong những giáo viên của trường đi đầu trong phong trào “Làm và viết sáng kiến kinh nghiệm”, được áp dụng rộng rãi trong trường, trong huyện, mang lại hiệu quả giáo dục tích cực. Trong số này, sáng kiến “Phương pháp giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập” thực hiện năm học 2013 - 2014 của cô được đánh giá rất cao.
Cô Nghiệm tâm sự: Các học sinh khuyết tật gặp rất nhiều thiệt thòi, dễ bị bạn bè chế giễu, các em tiếp thu bài rất chậm, có xu hướng sống cô lập, khép kín, không hòa nhập. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, tôi chủ động giúp các em hòa nhập với bạn bè. Một mặt hướng dẫn các bạn trong lớp giúp đỡ, thu hẹp khoảng cách, mặt khác tôi phân công để các em làm việc nhóm với nhau, không phân biệt đối xử. Với các em khác mình dành thời gian một thì với những học sinh này phải gấp 10 lần. Tôi nhớ có 1 học sinh tên An, em bị khuyết thanh, việc nói, đọc với em là một thử thách lớn. Nhưng với sự kiên trì từng chút một, khi em ra trường đã có thể nói được tên của mình, tên cô, nói tiếng một”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh - đồng nghiệp của cô Nghiệm cho hay, “Không chỉ trong công tác chuyên môn, mà trong quan hệ đồng nghiệp cô Nghiệm cũng là tấm gương sáng để các giáo viên, nhất là giáo viên trẻ noi theo. Cô luôn năng nổ, đi đầu, đổi mới trong mọi hoạt động, phong trào, cô Nghiệm là người chân thành, tận tình với đồng nghiệp, tận tâm với học sinh, ở nhà là mẹ đảm của 2 con”.
Với những thành tích đạt được, mới đây, cô Nghiệm được phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
THANH TRỌN