Chuyện về ông Lê Tuyên – chí sĩ yêu nước trong chống Pháp
Ông Lê Tuyên, tục danh là Lê Văn Trang (còn gọi Bá hộ Mười), một chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần vương, cùng với Mai Xuân Thưởng đứng lên chống Pháp và đã hy sinh trên đoạn đầu đài của bọn thực dân.
Là một chí sĩ nhưng những tư liệu về Lê Tuyên quá ít, qua tìm hiểu một số người lớn tuổi ở cùng quê của ông kể và một số nhà trí thức, đã có lần đọc chuyện viết về ông, trong một quyển sách dịch, ở Sài Gòn trước năm 1975, tác giả là một linh mục người Pháp. Gần đây nhất chúng tôi được nghe ông Lê Văn Nhiên, cháu 4 đời của ông Lê Tuyên kể lại nhiều chi tiết có ghi trong gia phả họ Lê. Với một số tư liệu ấy, tôi viết lên câu chuyện lịch sử nầy, nhằm thể hiện lòng tôn kính và tự hào về một con người đã có công với quê hương, đất nước!
Ông Lê Tuyên, tục danh Lê Văn Trang (còn gọi Bá hộ Mười) sinh ngày 14 tháng 7 năm Mậu Tuất 1838, tại làng Nhân Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, nay là thôn Nhân Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có, cha là Lê Văn Tòng và mẹ ông bà Nguyễn Thị Bàn. Tư chất là một con người thông minh trí tuệ và can đảm. Năm 1868, ông đậu võ cử nhân tại trường thi Bình Định và tiếp tục đậu Võ Tiến sĩ ở Huế năm Tự Đức thứ 21. Vị tân Tiến sĩ võ được nhà vua cho về thăm nhà trước khi ra Huế nhậm chức. Nhưng trên đường về, ngang qua Đèo Nhông, thuộc huyện Phù Mỹ bị cọp tấn công và ông đã giết chết cọp. Nhân dân trong vùng rất phấn khởi vì đã trừ được một mối hiểm họa. Nhưng triều đình Huế nghe tin, lại kết tội ông là phản sư, vì cho rằng giết cọp là điều cấm kỵ của nhà vua, nên hạ chỉ thu hồi bằng Tiến sĩ võ và giáng xuống làm thứ dân.
Năm Ất Mão (1885), kinh thành Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi lánh ra Quảng Trị, ban dụ Cần Vương, kêu gọi toàn dân chống Pháp, giành độc lập. Ông Lê Tuyên cùng nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch khởi xướng phong trào Văn Thân vâng dụ Cần Vương, chiêu mộ dân binh, ngày đêm luyện tập, rèn đúc vũ khí. Khi đã đủ mạnh, quân số hơn 600 người, hai ông làm lễ tế cờ ra quân. Cờ đề bốn chữ “CẦN VƯƠNG CỬ NGHĨA”. Đào Doãn Địch làm nguyên soái, Lê Tuyên phó soái với các tướng Võ Trứ và Ma Văn Tiết, là hai học trò của ông Lê Tuyên cùng tham gia đánh Pháp.
Ngay ngày đầu ra quân, quan án sát Nguyễn Duy Cung đang trấn thủ thành Bình Định đã giác ngộ giao thành cho lực lượng nghĩa quân Cần vương làm căn cứ. Lần lượt, đội quân của Đào Doãn Địch và Lê Tuyên đã phục kích đánh thắng giặc Pháp ở Trường Úc (Tuy Phước), Cẩm Văn (An Nhơn), Phú Gia (Phù Cát), Chánh Thiện (Phú Phong)… Nhưng về sau, Pháp tăng cường viện binh với vũ khí tối tân; còn quân ta ít hơn và vũ khí rất thô sơ, nên thất bại. Nghĩa quân Cần Vương phải bỏ thành Bình Định rút về rừng núi Phú Phong, kết hợp với Mai Xuân Thưởng, củng cố lực lượng đánh địch. Một thời gian, Đào Doãn Địch bị bệnh qua đời, Mai Xuân Thưởng được mọi người tín nhiệm tôn lên làm Nguyên soái, lãnh đạo kháng chiến, đặt bản doanh tại Lộc Đổng (Đồng Hưu). Lê Tuyên phó soái phụ trách huấn luyện hai đội dũng sĩ: đội Sơn Hùng : 200 binh sĩ, sở trường bắn ná; đội Sơn Dũng : 200 binh sĩ, sở trường đánh cận chiến.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Cần Vương do hai ông Mai Xuân Thưởng và Lê Tuyên lãnh đạo, đã làm cho địch tiêu hao lực lượng khá lớn. Nhưng đến tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), lực lượng Cần Vương tỉnh Bình Định nói riêng, cả miền Trung nói chung, bị thực dân Pháp đánh bại và dần dần tan rã. Ông và Mai Xuân Thưởng cùng tám tướng lĩnh của nghĩa quân, đã hy sinh vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, năm Đinh Hợi (1887) tại chợ Gò Chàm cũ, gần cầu Xi Ta, cách thành Bình Định khoảng 1km về hướng bắc, để lại bao tiếc thương và lòng khâm phục cho mọi người. Bọn Pháp và bè lũ tay sai đã hành quyết ông và Mai Xuân thưởng cùng tám tướng lĩnh khác, bằng cách vô cùng dã man: Chúng trồng cây tre, cho cong xuống, cột ngọn tre với đầu nạn nhân rồi sai lính chém, đầu nạn nhân theo ngọn tre bật lên, treo lơ lửng trông rất rùng rợn, chúng gọi là bêu đầu để răn đe làm gương. Thi thể và thủ cấp của ông Lê Tuyên được gia đình tìm mọi cách đem về an táng không công khai tại núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy phước. Phần mộ ông hiện nay vẫn còn, nhưng bia mộ chỉ ghi bằng mật ngữ (vì sợ bọn giáo gian biết đào mồ).
Những việc làm và sự hy sinh của Lê Tuyên cho thấy ông là một con người dũng khí, làm cho các thế hệ con cháu tự hào và noi gương.
Phan Văn Thuần
Nội dung Rất khâm phục lòng yêu nước, nghĩa khí anh hùng của Lê Tuyên. Cảm ơn tác giả đã nghiên cứu và đăng bài viết này, vì đã giúp người đời sau biết đến một gương chí sĩ yêu nước. Đó cũng là niền tự hào của người dân Tuy phước,người dân Bình định nói riêng, và của đất nước Việt Nam nói chung.