An Lão: Bảo vệ rừng giáp ranh còn lắm gian nan
Những năm gần đây, tình trạng xâm hại rừng ở An Lão diễn biến khá phức tạp, nhất là ở các vùng rừng giáp ranh. Cuộc chiến bảo vệ vùng rừng giáp ranh ở huyện miền núi An Lão xem ra còn lắm gian nan.
Một khu vực rừng thị trấn An Lão giáp ranh với huyện Hoài Ân. Ảnh: TRỌNG LỢI
An Lão có nhiều vùng rừng giáp ranh với các huyện: Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn; huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và huyện Ba Tơ, Ðức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), với tổng chiều dài hơn 100 km. Toàn huyện có trên 59.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 46.000 ha rừng tự nhiên và trên 6.000 ha rừng trồng; độ che phủ rừng năm 2016 gần 73%.
Theo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, từ tháng 10.2015 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã phối hợp với kiểm lâm các huyện Ba Tơ, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Hoài Nhơn và UBND các xã có rừng giáp ranh tổ chức 28 buổi tuyên truyền các văn bản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, thu hút trên 2.300 lượt người tham dự; tổ chức cho người dân các xã An Vinh, An Dũng, An Trung, An Hưng, An Toàn ký 1.380 bản cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là với vùng rừng giáp ranh.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với lực lượng chức năng ở các xã tổ chức 82 đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét vùng rừng giáp ranh giữa các huyện và tỉnh bạn; phát hiện, lập biên bản xử lý 15 vụ phá rừng trái phép, thu giữ 5,5 m3 gỗ từ nhóm IIa đến nhóm VIII, và các phương tiện vi phạm khác.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Tá, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão: “Tình hình phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn huyện đang diễn biến hết sức phức tạp. Một số đối tượng thiếu việc làm, đời sống khó khăn, hám lợi trước mắt nên tham gia khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ, săn bắt động vật rừng hoang dã trái phép. Trong khi đó, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm theo hợp đồng đã ký kết; còn để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng nhận khoán. Việc phát hiện, xác minh và xử lý các đối tượng vi phạm còn chậm nên chưa mang tính răn đe, giáo dục cao”.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng huyện An Lão đã phát hiện 162 vụ phá rừng gây thiệt hại hơn 166 ha rừng và 31 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích hơn 52 ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ xác định được danh tính 9 đối tượng vi phạm.
Ông Nguyễn Trọng Tài, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, phụ trách địa bàn xã An Hưng, chia sẻ: “Sống quanh vùng rừng giáp ranh đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; trong khi các địa phương lại chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy và giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, sử dụng. Lâm tặc đã lợi dụng sự mưu sinh của người dân địa phương để “đục nước, béo cò”. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã lập danh sách, tuyên truyền giáo dục cho các đối tượng này, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề và tổ chức ký cam kết không tái phạm xâm hại đến rừng, song hiệu quả vẫn còn hạn chế”.
Ông Đoàn Văn Tá cho biết thêm về giải pháp bảo vệ rừng giáp ranh trên địa bàn huyện trong thời gian tới: “Huyện An Lão đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, nhất là ở các thôn, làng có rừng giáp ranh với các địa phương khác; nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người về quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các xã vùng rừng giáp ranh tổ chức tốt các lực lượng phối hợp để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng”.
“Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tham mưu, đề xuất UBND huyện An Lão chỉ đạo các chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ những khu vực rừng đã được Nhà nước giao; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi xâm hại đến rừng; buộc bồi thường hoặc chấm dứt hợp đồng giao khoán rừng đối với các chủ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm đã để mất rừng” - ông Tá nói.
HOÀNG NAM QUỐC