Thị trường hàng hóa tiêu dùng:
Giá cả “xập xình”, sức mua giảm
Hiện nay, thị trường hàng hóa tiêu dùng đã đi vào ổn định sau những xáo trộn trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng do người tiêu dùng (NTD) vẫn tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên nhiều ngành hàng gặp khó khăn vì sức mua giảm. Tuy vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm thiết yếu, liên tục tăng giá.
Một số mặt hàng thực phẩm tăng giá
Tăng giá đồng loạt và nhiều nhất là các sản phẩm sữa. Từ cuối tháng 1.2013, nhiều loại sữa đã bắt đầu tăng giá. Các loại sữa bột sản xuất trong nước dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng từ 1 - 7%. Giá các loại sữa ngoại tăng từ 8 - 10%. Với mức tăng hiện nay, người tiêu dùng phải trả thêm từ 50.000 - 70.000 đồng cho một hộp sữa ngoại.
Khách hàng đang lựa chọn mua trái cây tại shop trái cây Minh Đức.
Với mặt hàng thực phẩm, giá tăng liên tục và cao nhất là mặt hàng trái cây, nhiều loại tăng đến vài chục ngàn đồng/kg. Chẳng hạn như giá bưởi da xanh loại 1 đã tăng từ trước Tết lên 50.000 - 60.000 đồng/kg thì hiện nay đã leo lên đến mức 70.000 đồng/kg; loại 2 giá 60.000 đồng/kg, loại 3 giá 50.000 đồng/kg; giá thanh long từ 40.000 - 43.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết. Mãng cầu vẫn giữ giá Tết - 80.000 đồng/kg.
Do giá trái cây tăng cao nên tình hình mua bán cũng ế ẩm hơn. Nhiều cửa hàng thu hẹp số lượng và chủng loại trái cây, chỉ ưu tiên cho những loại có mức giá vừa phải, từ 20.000 - 35.000 đồng/kg như: xoài, mận, dưa hấu, nhãn, cam, vú sữa… Chị Nguyễn Thị Minh Đức, chủ cửa hàng trái cây Minh Đức (đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn), cho biết: “Mức tăng bình quân của các loại trái cây nội khoảng 10.000 đồng/kg, còn các loại trái cây ngoại nhập tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Hầu như NTD không còn chuộng trái cây Trung Quốc, các loại trái cây nội được mua nhiều nên giá tăng. Nhiều loại tăng giá cao là do nhu cầu xuất khẩu như thanh long; riêng bưởi là do nguồn hàng khan hiếm…”.
Hiện tại, giá các loại thịt gia súc, gia cầm, các loại rau củ vẫn tương đối bình ổn, chỉ một vài loại giá tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng thủy hải sản thì giá cả tăng giảm thất thường, tùy vào lượng hàng về chợ. Nhiều loại hải sản giá tăng khá cao như: tôm biển loại trung 300 ngàn đồng/kg; cá thu loại lớn 200 ngàn đồng/kg; cá mú, cá hồng từ 180-200 ngàn đồng/kg…
Khuyến mãi nhiều, song vẫn… ế!
Do thị trường mới trải qua đợt mua sắm sôi động nhất vào trước Tết Nguyên đán, đồng thời NTD chỉ ưu tiên cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, nên đến nay ngành hàng tiêu dùng như: quần áo thời trang, đồ gia dụng, hàng điện máy, hóa mỹ phẩm… vẫn ế ẩm.
Thời điểm này, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang tổ chức các chương trình khuyến mãi để thanh lý lượng hàng tồn kho, chuẩn bị cho đợt hàng mới phục vụ mùa hè. Nhiều cửa hàng chấp nhận mức giảm giá khá cao, trung bình từ 30 - 70%, song vẫn vắng khách.
Sức mua giảm ngay ở những nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tại các cửa hàng tạp hóa, sức mua vẫn duy trì ở những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: mắm, đường, bột ngọt, dầu ăn, sữa, hóa chất tẩy rửa… Còn lại, các loại bánh, kẹo, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm khác, sức mua giảm mạnh. Đối với các sản phẩm tăng giá như sữa, khách hàng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm sữa nội cùng loại với mức giá mềm hơn.
Bà Nguyễn Thị Mạnh (chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn), cho biết: “Hiện nay, NTD chỉ ưu tiên mua các sản phẩm thật sự cần thiết cho nhu cầu hàng ngày. Vì vậy, tôi cũng phải giảm bớt rất nhiều mặt hàng bán không chạy để không đọng vốn. Nếu cùng một loại sản phẩm, đa số NTD sẽ lựa chọn sản phẩm rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn 1 lốc sữa (4 hộp) hươu cao cổ Grow của Abbott có giá 36.000 đồng thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng loại Grow plus của Nutifood với giá 26.000 đồng”.
MAI HỒNG