Ðưa văn học nghệ thuật địa phương vào trường học:
Cần thiết nhưng còn khó khăn
Thông qua hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật (VHNT) giữa Hội VHNT Bình Ðịnh và các trường học trong tỉnh, tác phẩm VHNT địa phương, nhất là ở lĩnh vực văn học, âm nhạc, có thêm một kênh phổ biến. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần bồi trúc tình yêu VHNT, năng khiếu sáng tác trong học sinh.
Một buổi giao lưu điển hình
Mới đây, vào giữa tháng 11.2016, buổi giao lưu văn nghệ giữa Hội VHNT tỉnh và thầy, trò Trường THCS Ðống Ða (TP Quy Nhơn) diễn ra sinh động, thu hút. Trong chương trình giao lưu, phần do Hội tổ chức, gồm: giới thiệu tóm lược về văn chương Bình Ðịnh từ quá khứ đến hiện tại, điểm qua về hoạt động sáng tác trẻ trong tỉnh và giới thiệu một số tác phẩm của người viết trẻ. Trường THCS Ðống Ða cũng đã có dịp “khoe” phong trào văn nghệ học đường mạnh, đa dạng của mình bằng màn biểu diễn ấn tượng của 2 giọng ca học sinh đoạt giải giọng hát hay thiếu nhi cấp thành phố cùng một số tiết mục hát, múa tập thể các bài dân ca hay của Bình Ðịnh và miền Trung.
Em Trung Quân (lớp 8A5, THCS Đống Đa) biểu diễn ca khúc “Theo nhịp võng đưa” của nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn. Ảnh: HỮU THUẦN
Có lẽ đây là lần đầu tiên các em được giới thiệu về hành trình của văn chương Bình Ðịnh, từ những anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn của đất nước như Ðào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Ðào Tấn..., đến những tác giả lẫy lừng trong phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan..., qua những cây bút tên tuổi ở giai đoạn sau đó như Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác..., cho đến đội ngũ nhà văn, nhà thơ trong hiện tại.
Phần giới thiệu sáng tác trẻ, nổi bật là hai bài thơ - “Gọi tên em” và “Chuyến đi hạnh phúc” - đoạt giải Khuyến khích tại Trại sáng tác văn học thiếu nhi các tỉnh, thành phía Nam năm 2016, lần lượt hai tác giả là Ðỗ Ngọc Phương Trâm, Lê Dương Thị Thanh Thanh (đều là học sinh chuyên Văn - THPT Chuyên Lê Quý Ðôn) trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình. Phần giao lưu âm nhạc, sáng tác của hai nhạc sĩ trong tỉnh là Trần Ngọc Sơn và Lý Anh Võ được những “cây văn nghệ” của trường như Minh Nhật, Trung Quân... thể hiện đầy ngọt ngào.
Trong đoàn khách văn nghệ đến Trường giao lưu hôm ấy, có cây bút trẻ Phan Lê Bảo Hân, cựu học sinh THCS Ðống Ða. Từng đoạt giải Nhất (truyện ngắn “Người bán mặt trời”) - Trại sáng tác văn học trẻ Bình Ðịnh năm 2015 khi đang là học sinh của Trường THCS Ðống Ða, lần này về trường cũ, Bảo Hân xúc động chia sẻ: “Quan tâm tới văn chương hay nghệ thuật nói chung không phải là cố làm được một bài thơ hay truyện ngắn. Ðiều cần hơn là tập thói quen lắng nghe, quan sát cuộc sống xung quanh, biết nuôi dưỡng những cảm xúc trong trẻo trong tâm hồn mình và đặc biệt, hãy làm bạn với sách”.
Những chương trình giao lưu giữa Hội VHNT Bình Ðịnh và nhà trường như trên, ngoài THCS Ðống Ða, cũng đã được tổ chức ở nhiều trường (chủ yếu trên địa bàn TP Quy Nhơn) như THCS Nguyễn Huệ, THCS Lê Lợi, THPT Chuyên Lê Quý Ðôn, Trung cấp VHNT Bình Ðịnh, Cao đẳng Bình Ðịnh, THPT Phù Cát I (ở thị trấn Ngô Mây - huyện Phù Cát)...
Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Ðịnh Trần Quang Khanh, phối hợp cùng ngành Giáo dục, nhà trường để tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ là cách làm chính nhằm đưa VHNT địa phương vào nhà trường. Việc này giúp tạo ra “lợi ích kép”: tác phẩm VHNT địa phương có thêm một kênh để phổ biến, có thêm cơ hội tiếp cận công chúng trẻ, mặt khác, qua đó Hội cũng có thể phát hiện những hạt mầm sáng tác mới.
“Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí khó khăn, phần lớn chương trình giao lưu mới tổ chức ở Quy Nhơn, số lượng chưa nhiều, cách thức tổ chức chưa thật sự phong phú, phù hợp, lôi cuốn học sinh, đây là những trăn trở của Hội. Trên cơ sở chương trình phối hợp về đưa VHNT địa phương vào nhà trường với Sở GD&ÐT và Tỉnh đoàn (ký năm 2014), Hội rất mong nhận sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là sự hưởng ứng, tích cực phối hợp từ phía nhà trường để cùng nhau tổ chức thật sự thu hút, hiệu quả”, ông Trần Quang Khanh chia sẻ.
Theo cô giáo văn Hồ Thị Ái Hiền (THCS Ðống Ða, TP Quy Nhơn), thông qua chương trình giao lưu giữa tác giả địa phương và nhà trường, học sinh được trực tiếp, chủ động tìm hiểu về VHNT địa phương, gặp gỡ tác giả, nghe họ chia sẻ về tác phẩm tiêu biểu là rất cần thiết. Bởi chương trình địa phương (ở các môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, âm nhạc) là yêu cầu giảng dạy ngoại khóa áp dụng hơn 10 năm nay nhưng thời lượng chỉ có 1 tiết/ học kỳ, quá ít để trang bị cho các em. Hơn nữa, tài liệu dạy và học tự khai thác, phần lớn từ trên mạng nên không tránh khỏi sai sót. Do vậy, giữa Hội VHNT tỉnh và nhà trường phối hợp, tạo ra những cuộc gặp gỡ dành cho VHNT như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận một cách “chính thống” và trực tiếp, thực tế.
Khẳng định ý nghĩa, tính cần thiết của việc đưa VHNT địa phương vào nhà trường, một số giáo viên rất quan tâm đến hình thức tổ chức chương trình giao lưu sao cho hiệu quả, lôi cuốn học sinh tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Oanh (THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) cho rằng, khuyến khích học sinh quan tâm, tìm đọc những tác phẩm văn học kinh điển đã khó, hướng các em dành thời gian cho tác phẩm VHNT địa phương càng khó hơn. Bởi vậy, chương trình nên tránh tổ chức vào thời điểm mùa thi, đặc biệt cách tổ chức phải sáng tạo, trẻ trung, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận của học sinh.
SAO LY