Không phải vượt hơn 40 cây số xuống Quy Nhơn chạy thận
Ðơn nguyên thận nhân tạo (TNT) của BVÐK khu vực Phú Phong chính thức hoạt động, phục vụ bệnh nhân suy thận mạn từ ngày 23.11.2008. Từ đó đến nay, Bệnh viện từng bước nâng cao chất lượng điều trị, mang lại nhiều tiện ích cho bệnh nhân ở địa phương.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 bệnh viện thực hiện chạy TNT định kỳ là BVÐK tỉnh và BVÐK khu vực Phú Phong.
Từng bước nâng cao chất lượng
Ðơn nguyên TNT được đặt tại khoa Hồi sức cấp cứu, có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng đảm trách hoạt động chạy TNT. “Ðơn nguyên TNT đặt ở khoa Hồi sức cấp cứu là chủ trương của lãnh đạo Bệnh viện, bởi nhân lực ở bộ phận Hồi sức cấp cứu đã được trui rèn, có tính “tác chiến” cao. Tổ chức một hoạt động điều trị mới cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của anh em”, Giám đốc BVÐK khu vực Phú Phong Dương Văn Hóa cho biết.
Bệnh nhân chạy thận tại đơn nguyên Thận nhân tạo, BVĐK khu vực Phú Phong.
Ban đầu, đơn nguyên TNT được Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Ðịnh trang bị 4 máy chạy TNT hiệu AK 95. Tuy nhiên, số máy này qua sử dụng đã lâu (khoảng 15 năm) nên dần xuống cấp, đến cuối năm 2010 chỉ còn 1 máy hoạt động. Ðến năm 2011, đơn nguyên được Sở Y tế trang bị cho 2 máy hiệu AK 96. Một năm sau, Sở Y tế tiếp tục sắm thêm 1 máy hiệu AK 96 từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nâng tổng số máy chạy TNT lên 4 máy (1 AK 95, 3 AK 96); lượng bệnh nhân thu dung có lúc lên đến 15 người.
Ðến năm 2015, máy AK 95 “tê liệt”, đơn nguyên TNT chỉ còn 3 máy AK 96 dùng được nhưng thỉnh thoảng vẫn hư vặt. Lượng bệnh nhân chỉ còn 12 người chạy TNT 3 lượt/tuần. Trước nhu cầu chạy TNT của bệnh nhân vẫn rất cao, BVÐK khu vực Phú Phong đã đề nghị Sở Y tế trang bị thêm máy. Tháng 8.2016, UBND tỉnh quyết định trang bị cho BVÐK khu vực Phú Phong 3 máy chạy TNT, được lắp ráp hoàn thiện cuối tháng 9.2016.
“Hiện tại, chúng tôi có 6 máy chạy thận, thực hiện điều trị lọc TNT cho 17 bệnh nhân, trong đó có 1 người ở Vĩnh Thạnh”, điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức cấp cứu Trần Trọng Hồ cho hay.
Lợi nhiều bề
Theo Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nguyễn Thanh Sơn, lưu lượng người bệnh suy thận mạn đang chạy TNT định kỳ của địa bàn huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh tương đối đông. “Thế nhưng, giai đoạn đầu khâu tổ chức chạy TNT còn nhiều bỡ ngỡ, một số người bệnh chưa thực sự đặt niềm tin ở chúng tôi”, bác sĩ Sơn nói.
Từ khi đơn nguyên TNT được trang bị 3 máy mới đến nay, hoạt động chạy TNT đã ổn định, chất lượng phục vụ người bệnh ngày càng nâng cao. Số người bệnh trước kia phải xuống Quy Nhơn chạy thận tại BVÐK tỉnh nay đã quay về Phú Phong. Người chạy thận có cuộc sống sinh hoạt bình thường, hầu hết đã trải qua 3-4 năm chạy TNT, riêng bệnh nhân Nguyễn Chí Trung (59 tuổi, ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú) đã có tổng thời gian chạy TNT hơn 15 năm.
Ðáng chú ý, nhờ chạy thận ngay tại địa phương, người bệnh giảm được chi phí đi lại, ăn ở, thuận lợi mọi bề so với xuống Quy Nhơn nên ngày càng có nhiều người ủng hộ. Cách đây 8 năm, chị Trịnh Thị Ái Liễu (46 tuổi, ở khối 4, thị trấn Phú Phong) phát hiện bị suy thận mạn. Chạy thận ở BVÐK tỉnh được 2 năm, chị chuyển hẳn về BVÐK khu vực Phú Phong, chấm dứt cảnh “đùm túm” đón xe xuống Quy Nhơn chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Hoàng Phạm (thực hiện)
“Một phần là tiết kiệm được tiền bạc, nhưng lớn hơn là đỡ ảnh hưởng sức khỏe. Tôi ở một mình, suy thận đã lâu, sức khỏe kém, mà còn đi xe suốt nên nhọc lắm”, chị Liễu tâm sự.
Cách đây 4 tháng, anh Võ Anh Hùng (42 tuổi, ở khối 5, thị trấn Phú Phong) bắt đầu chạy thận tại BVÐK tỉnh. 3 tháng sau, được biết BVÐK khu vực Phú Phong có máy chạy thận mới, anh và người bác ruột Võ Văn Phước (71 tuổi, ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành) cùng chuyển về đây điều trị. Nhà anh cách Bệnh viện… 150m, mỗi lần chạy thận anh chỉ cần đi bộ đến. Trong khi trước đó, mỗi tuần 3 lần, anh lại “ké” ô tô của gia đình bác xuống Quy Nhơn.
“Hồi đó cứ 3 giờ chiều đi, 11 giờ đêm mới về. Các anh con bác thuê xe chở 2 bác cháu đi. Quá giang miết cũng ngại, mà đưa tiền xăng thì mấy ông anh nhất quyết không lấy. Giờ thì hết lăn tăn chuyện xe cộ rồi, mà điều trị ở đây cũng rất yên tâm vì y bác sĩ rất nhiệt tình”, anh Hùng chia sẻ.
“Triển khai thành công chạy TNT ở BVÐK khu vực Phú Phong thật sự đã mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu. Ðể phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động này, chúng tôi rất mong tỉnh đầu tư thêm 2-3 máy chạy thận mới để thay thế máy cũ đã xuống cấp và hay hư hỏng”.
Bác sĩ DƯƠNG VĂN HÓA, Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong
NGUYỄN VĂN TRANG