TP Quy Nhơn: Giúp người nghèo thoát nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình hành động về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, ngay từ đầu năm 2016, TP Quy Nhơn đã tập trung điều tra, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của từng hộ, nhóm hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Không chỉ nâng cao thu nhập, người nghèo còn được tiếp cận các dịch vụ để thoát nghèo bền vững.
Nhờ sự hỗ trợ ban đầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết mua máy may, máy vắt sổ để may gia công và nhận sửa đồ cho khách nên đã có thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo.
Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện giảm nghèo của TP Quy Nhơn, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII (NK 2015-2020), Thành ủy đã xây dựng 4 chương trình hành động, trong đó có Chương trình hành động “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Chương trình hành động đã đánh giá thực trạng công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2016-2020.
Sau khi Thành ủy có chương trình hành động này, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện, với mục tiêu chung là giảm nghèo nhanh và bền vững; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo cơ hội và điều kiện cho hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH.
Theo ông Kha, mục tiêu cụ thể giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân của thành phố là từ 0,2 - 0,3%/năm; phấn đấu đến năm 2020 giảm tỉ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn dưới 0,5% (tỉ lệ hiện nay là 1,41%); phấn đấu có 3 - 5 phường cơ bản không còn hộ nghèo và giữ vững các phường hiện không còn hộ nghèo.
Bên cạnh đó, những năm qua, khi xét theo tiêu chí thu nhập, nhiều hộ dân của thành phố đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận thông tin, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục ở mức cơ bản. Do vậy trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sạch, nhà ở, đào tạo nghề, việc làm… để hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Cùng hộ nghèo bàn cách thoát nghèo
Trong năm 2015, phường Lý Thường Kiệt là địa phương đầu tiên của TP Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Trong năm 2016, thành phố có thêm 2 phường nữa là Lê Lợi và Nguyễn Văn Cừ cũng không còn hộ nghèo.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi, khẳng định: “Công tác giảm nghèo đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức hội, đoàn thể của phường và thu hút các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, tốc độ giảm nghèo của phường đạt kết quả khá tốt so với mục tiêu đề ra. Đầu năm 2011, phường có 27 hộ nghèo, đến cuối năm 2015 còn 2 hộ nghèo. Trong năm 2016, phường đã tập trung hỗ trợ vốn và giúp phương cách làm ăn để 2 hộ còn lại thoát nghèo.
Theo đó, Quỹ vì người nghèo của phường đã hỗ trợ hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hương (KV3) 20 triệu đồng để làm vốn làm ăn. Còn hộ bà Hồ Thị Dề (KV 4), ngoài nguồn quỹ của phường hỗ trợ 30 triệu đồng, còn được Ban CHQS TP Quy Nhơn hỗ trợ 8 triệu đồng để kinh doanh buôn bán. Bà Dề vui mừng cho hay: “Từ số vốn được hỗ trợ, tôi mua xe máy để đi làm ở cơ sở chế biến chả cá, thu nhập được 2,7 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại tôi đầu tư mở một quầy bán chả cá vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, hai đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 5 còn được các đơn vị hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/cháu/tháng để ăn học, nhờ vậy mà tôi đã thoát được nghèo”.
Với phường Nguyễn Văn Cừ, ông Nguyễn Văn Tuyết, Bí thư Đảng ủy phường, cho hay: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ phường sẽ xóa hết hộ nghèo; tuy nhiên, Thành ủy Quy Nhơn giao cho phường phải hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2016. Vì vậy, sau khi rà soát toàn phường còn 3 hộ nghèo đều ở khu vực 6, phường đã mời 3 hộ này đến làm việc để bàn phương án tối ưu giúp họ phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm từng hộ. Trong đó, hộ bà Nguyễn Thị Hiền được phường hỗ trợ 36,2 triệu đồng để mở tiệm bán đồ ăn sáng; hộ ông Phạm Văn Thu được hỗ trợ 24 triệu đồng để mở quán bán bánh bèo; hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết được hỗ trợ 43,3 triệu đồng để mua máy may và máy vắt sổ, làm công việc may gia công và sửa quần áo.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ của phường và các tổ chức mà tôi mua được máy móc để nhận đồ về may gia công vào ban đêm, còn ban ngày thì đưa máy may ra khu vực chợ Cây Xăng để sửa đồ cho khách, thu nhập mỗi ngày cũng được 100 ngàn đồng”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Sau khi hỗ trợ hộ nghèo thực hiện phương án làm ăn, phường thường xuyên giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ họ triển khai phương án có hiệu quả để thật sự thoát nghèo bền vững”.
NGUYỄN PHÚC