An toàn lao động trong xây dựng và liên quan đến điện: Còn nhiều bất cập
Những vụ tai nạn lao động (TNLÐ) chết người trong lĩnh vực xây dựng và liên quan đến điện trong thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn lao động.
Hiện trường vụ TNLĐ do sập cây chống giàn giáo tại số 96 Bạch Đằng, Quy Nhơn ngày 15.8 làm 1 người chết, 7 người bị thương.
- Trong ảnh: Cảnh sát PCCC đưa người lao động bị bê tông đè ra khỏi hiện trường. Ảnh: N.H.P
Ngành Xây dựng: tai nạn nối tiếp tai nạn
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH từ đầu năm 2016 đến nay, 4 trong 8 vụ TNLĐ chết người đều trong lĩnh vực xây dựng (chiếm 50%), chưa kể làm nhiều người bị thương.
Gần nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 9 giờ ngày 16.11. Trong khi anh Nguyễn Hữu Đức (25 tuổi, nhà ở KV 1, phường Nhơn Bình, Quy Nhơn) đang ngồi trên tầng 2 ngôi nhà số 22 Lê Lợi, Quy Nhơn để đục sàn bê tông lấy sắt thép, thì 1 phần sàn bê tông rơi xuống, kéo anh Đức rơi theo khiến anh tử vong. Nhóm thợ khoan cắt bê tông của anh Đức làm theo kiểu nhận khoán công trình nên không hề có ràng buộc trách nhiệm với chủ sử dụng. “Thợ khoan cắt bê tông làm ẩu, lẽ ra phải chờ xe phá sập hết rồi mới vào đục lấy sắt sau, đằng này lại ngồi ngay trên sàn bê tông đã mục mà đục”-một người chứng kiến vụ tai nạn nói.
Nếu như vụ tai nạn trên là do lỗi bất cẩn của người lao động (NLĐ) thì vụ TNLĐ xảy ra 14 giờ 10 phút ngày 7.9.2016 tại công trình thi công BVĐK tỉnh (phần mở rộng nằm ở đường Phạm Ngọc Thạch, Quy Nhơn) làm một phụ xe cần cẩu chết, lỗi lại thuộc về đơn vị thi công công trình. Trong lúc đang đứng lắp đặt phần lồng của máy vận thăng, anh Nguyễn Minh Tiên (23 tuổi, nhà ở KV 5 phường Đống Đa, Quy Nhơn) đã bị cây xà gồ sắt dài 4m đóng cốp pha từ tầng 8 rơi xuống trúng đầu gây tử vong tại chỗ. Được biết, mặt nền công trình nơi anh Tiên lắp đặt máy vận thăng và tầng 8 công trình đang thi công ván khuôn đều thi công theo một phương thẳng đứng song đơn vị thi công không bố trí sàn che chắn bảo vệ; cán bộ an toàn làm việc tại công trình thiếu phối hợp giám sát an toàn lao động.
Trong tháng 7 và tháng 8.2016 xảy ra 2 vụ tai nạn chết người liên quan đến việc đổ bê tông tại Phù Cát và Quy Nhơn; trong đó, vụ xảy ra tại Quy Nhơn vào ngày 15.8 làm 1 người chết và 7 người bị thương.
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Trong khi đó, các vụ TNLĐ chết người hoặc bị bỏng nặng do điện liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cũng đang gióng lên hồi chuông báo động. Trao đổi với phóng viên báo Bình Định gần đây, ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Điện lực Bình Định, cũng đã cảnh báo hiện tượng người lao động thi công công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện dẫn đến chết người hoặc bị thương vì bị giật điện.
Đầu tháng 11.2016, anh Nguyễn Văn Tám (thợ hồ, nhà ở phường Thị Nại, Quy Nhơn) leo lên sửa lại mái tôn, do dây điện gác trên mái tôn bị hở nên anh Tám bị điện giật chết. Trước đó, sáng ngày 6.10.2016, 3 công nhân: Trịnh Công Hữu (24 tuổi), Mai Hoàng Tố Thế Viên (29 tuổi), Phạm Văn Hóa (34 tuổi, cùng trú ở phường Nhơn Bình, Quy Nhơn) đang lắp đặt bảng quảng cáo tại ngôi nhà ở đường Ngô Mây vô ý đụng phải đường dây trung áp 22 kV gần đó, khiến cả ba bị phỏng nặng từ độ 3 đến độ 5.
Tại xã Định Quang, huyện Vĩnh Thạnh, một vụ tai nạn tương tự, xảy ra vào ngày 16.5.2016 làm 1 người chết, 3 người bị thương- khi cả bốn người thi công cổng chào (bằng nhôm) tại Nhà văn hóa thôn Định Trung thì gió thổi mạnh làm cổng chào ngã dựa vào đường dây 22 kV.
Một trong những công nhân bị phỏng điện ngày 6.10 vừa qua hiện còn đang phải điều trị. (Ảnh nguồn facebook)
An toàn lao động: Còn nhiều bất cập
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều công trình, dự án lớn đang được triển khai thi công. Tuy nhiên, công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều bất cập. Theo nhận định của một thanh tra viên trong ngành LĐ-TB&XH, số vụ TNLĐ trong ngành xây dựng mà cơ quan chức năng thống kê được chỉ là “phần nổi” bởi DN, chủ lao động thường cố tình không khai báo. Tháng 9.2016, UBND tỉnh thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật lao động tại các DN là nhà thầu thi công xây dựng.
Kết quả kiểm tra trực tiếp tại 14 công trình đang xây dựng của 16 DN (có 2 đơn vị liên doanh) cho thấy, nhiều DN chưa chú trọng quy định an toàn trong lĩnh vực xây dựng, nhất là ở vị trí trên cao. Có đến 50% DN không lắp lan can an toàn hoặc thực hiện che đậy tại các vị trí nguy hiểm trên sàn tầng; 50% DN không thực hiện các biện pháp an toàn cho người làm việc đi lại ở phía dưới khi hàn ở trên cao. Đoàn thanh tra đã phạt 8 DN vi phạm về các lỗi: không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ; không khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành việc chấp hành các quy định pháp luật lao động tại các DN là nhà thầu thi công xây dựng, nhận xét: “Trong hợp đồng xây dựng có quy định việc đơn vị thi công phải đảm bảo điều kiện thi công an toàn cho NLĐ nhưng thực tế còn nhiều hạn chế. Bởi hầu hết NLĐ làm thời vụ nên DN chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động; không tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ; vì vậy, NLĐ cũng không ý thức hết được sự nguy hiểm, tự đề phòng tai nạn. Khi xảy ra TNLĐ chết người, DN tránh né, kéo dài thời gian gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý. Thậm chí, có DN còn cố tình cử phó giám đốc đi thay để... không thể quyết định được việc gì. Có vụ điều tra từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa xong”.
Hiện, đa phần lao động phổ thông trực tiếp làm việc tại các công trình xây dựng hiện nay như thợ hồ, thợ sắt, phụ hồ... đều là lao động thời vụ, nên giữa họ với chủ sử dụng lao động hầu như không ràng buộc trách nhiệm. Chẳng may TNLĐ xảy ra, chủ sử dụng lao động thỏa thuận, bồi thường với NLĐ hoặc người nhà (nếu NLĐ chết) coi như là xong trách nhiệm; trong khi nỗi đau để lại đối với NLĐ là thương tật vĩnh viễn (nếu bị thương) và cho gia đình, người thân theo suốt cuộc đời (nếu tử vong). Theo chúng tôi được biết, đến thời điểm này, anh Trịnh Công Hữu- một trong ba công nhân bị điện giật ngày 6.10- đã bị bác sĩ trả về vì bệnh tình quá nặng; còn anh Mai Hoàng Tố Thế Viên cũng bị tháo khớp tay, chân... trong khi gia cảnh cả hai rất khó khăn, như anh Viên một mình nuôi hai con nhỏ.
THU HÀ
ÔNG THÁI MINH CHÂU, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY ÐIỆN LỰC BÌNH ÐỊNH:
Điện lực sẵn sàng tạo điều kiện để người dân thi công công trình
Một số vụ TNLÐ liên quan đến điện thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân NLÐ vi phạm khoảng cách an toàn về điện. Theo quy định, khoảng cách an toàn hành lang lưới điện đối với đường dây trung áp 22kV theo phương thẳng đứng là từ 1m - 1,5m; nếu không sẽ gây ra hiện tượng phóng điện bị điện giật chứ chưa nói đến việc chạm vào đường dây. Do người dân nhận thức việc này chưa cao, kỹ năng làm việc còn hạn chế mới dẫn đến các vụ tai nạn như vừa qua.
Thực tế thì Ðiện lực Bình Ðịnh sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để việc thi công được diễn ra an toàn. Về nguyên tắc, không phải lúc nào Ðiện lực cũng có thể cắt điện để cho tổ chức, cá nhân thi công công trình an toàn. Nhưng trong trường hợp bất khả kháng - dù công trình xây dựng trong chỉ giới cho phép nhưng không còn cách nào khác để thi công - thì khi người dân yêu cầu, Điện lực cũng sẽ tạo điều kiện cắt điện để họ thi công công trình an toàn. Nhiều chủ thầu vì không biết, cứ “nhắm mắt nhắm mũi” sai quân đi làm.
T.H (ghi)