Thợ điện vùng cao
Không quản nắng mưa, bất chấp khó khăn, bất kể lúc nào, anh Mai Xuân Việt (37 tuổi, công nhân điện của Công ty cổ phần tổng hợp Vĩnh Thanh) đều sẵn sàng lên đường khắc phục sự cố, nhằm bảo đảm lưới điện được Công ty giao quản lý vận hành thông suốt, an toàn.
Anh Mai Xuân Việt đang thu tiền điện của người dân.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ vào năm 2003, anh Việt xin về Công ty cổ phần tổng hợp làm việc và được giao nhiệm vụ quản lý lưới điện kiêm thu ngân. Với 13 năm làm thợ điện vùng cao, gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Từ năm 2011 đến 2015, anh luôn đạt danh hiệu lao động xuất sắc và năm 2016 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, tuyên dương là công nhân tiêu biểu.
Với nhiệm vụ quản lý lưới điện được phân công, anh Việt thường xuyên phát quang hành lang tuyến, không để cây cối va quẹt vào dây dẫn làm tổn hao điện năng và dễ gây mất an toàn lưới điện, hướng dẫn cho khách hàng cách thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả nhằm tránh lãng phí trong cách sử dụng điện.
Do lưới điện được xây dựng lâu năm nên xuống cấp, anh đã đề xuất lãnh đạo Công ty thay thế cột tạm, dây dẫn mục nát, bố trí cải tạo các nhánh rẽ, các tuyến đường dây xuống cấp, tạm bợ, không đảm bảo an toàn và từng bước thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng điện năng, thay thế các công tơ cũ, công tơ hết niên hạn sử dụng. Nhờ quản lý tốt nên tổn thất điện năng bình quân những năm trước đây ở mức 13-14%/năm thì đến nay chỉ còn dưới 6,5%/năm. Khi có sự cố điện xảy ra, gây mất điện, anh Việt cùng các công nhân của Công ty không quản nắng mưa, đêm hôm, có khi vượt đoạn đường dài cả 40-50km để đến các thôn, làng bị mất điện kịp thời khắc phục.
Ngoài nhiệm vụ quản lý lưới điện, anh còn được Công ty giao nhiệm vụ thu tiền điện hàng tháng của gần 1.000 hộ dân sử dụng điện. Anh Việt chia sẻ: “Công tác quản lý lưới điện ở cùng cao đã gian nan, vất vả, việc thu tiền điện cũng gặp rất nhiều khó khăn, do mật độ dân cư thưa thớt, nhà này cách nhà kia khá xa. Mặt khác, người dân nơi đây sử dụng điện cũng rất ít, có hộ khoảng 2 - 3 tháng mới dùng hết 4-5kW/h, bởi thời gian họ ở trên rẫy nhiều hơn ở nhà. Cũng bởi vậy, công nhân đi thu tiền điện phải đợi hoặc quay đi quay lại đến 5 - 6 lần, chi phí và công sức đi lại có khi còn lớn hơn tiền điện thu được. Có nhiều trường hợp chúng tôi phải đóng giúp tiền điện cho họ, sau đó mới thu lại”.
PHẠM PHƯƠNG