Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số:
Lo thiếu lực lượng
Cuối năm 2011, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 1 (2011-2015) có một số mục tiêu cụ thể như: cơ bản đưa các dân tộc thiểu số ít người ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy di sản văn hóa tiêu biểu; 50-60% cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc là người của dân tộc anh em sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn…
Kế hoạch mang tính chất “vĩ mô” như thế, nhưng đến nay việc triển khai còn chậm và chưa hiệu quả. Nhất là việc quan tâm đến lực lượng thực hiện bảo tồn và phát huy văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ văn hóa người đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở rất quan trọng, song lại rất khó thực hiện. Số cán bộ văn hóa xã có ý thức chịu khó đi học nâng cao trình độ nhưng lại gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Gặp một cán bộ văn hóa người đồng bào Bana ở xã xa nhất của huyện Vân Canh, anh tâm sự phải “bán dần đàn bò” để có tiền học đại học về quản lý văn hóa. “Nhà còn khó khăn, phải bán nhiều bò để đi học cũng xót cái bụng lắm. Sau này có được cho đi học thêm cũng không dám đi nữa”, anh thật thà chia sẻ.
Một nỗi lo khác là các nghệ nhân giỏi, am hiểu sâu sắc về các loại hình di sản của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần mất đi. Số nghệ nhân ít ỏi còn lại năm thuở mười thì mới tham gia các hoạt động văn nghệ, chứ chưa được quan tâm nhiều để phát huy tài năng, góp phần bảo tồn và phát huy di sản một cách bền vững. Trong khi đó, để tìm ra những gương mặt trẻ hát dân ca hay, giỏi biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc lại rất khó.
Lần gặp gần đây nhất tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XII-2013, nghệ nhân Đinh Y Băng lo lắng: “Tiếng đàn của mình đã vang lên trong nhiều ngày hội cấp tỉnh. Nay thì già rồi, cũng muốn nghỉ, nhưng cũng không yên vì chưa có người thay thế…”. Âm thanh của tiếng cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc khác đã ngày càng mai một và có nguy cơ “biến mất” trong đời sống âm nhạc của giới trẻ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều năm qua, việc nghiên cứu chuyên sâu để bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đều do các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh đảm nhiệm. Các nhà nghiên cứu có những đóng góp tích cực cho công tác này như Hà Giao, Đoàn Văn Téo đã mất đi. Một số ít người có sự hiểu biết sâu sắc, tâm huyết và cách làm việc khoa học về nghiên cứu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số như Nguyễn Xuân Nhân, Yang Danh thì cũng đã tuổi cao sức yếu. Trong khi đó, lực lượng nghiên cứu kế cận vẫn còn là một… khoảng trống.
MAI THƯ