Từ chuyện “Tây” học võ ta:
Kênh quảng bá tốt cho võ Bình Định
Trong những năm qua, việc người nước ngoài tìm đến Bình Định để học võ hay võ sư Bình Định đi truyền dạy võ ở nước ngoài đã không còn là chuyện hiếm. Nhưng làm sao để những người sau khi học võ tham gia vào việc quảng bá cho đất nước và con người Bình Định là điều cần được tính đến.
Những sinh viên Pháp mê võ Bình Định
Gần một tuần qua, các HLV thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đón nhận 3 học viên mới gồm hai nữ và một nam. Đây là những sinh viên của một trường đại học ở thành phố Nantes (Cộng hòa Pháp) đang thực tập tại Bệnh viện Mắt Bình Định. Trong đó, nam sinh viên Sébastien Hermann phần nào biết về võ cổ truyền Việt Nam, khi đang theo tập cùng môn phái Cửu Long võ đạo tại Pháp. Vì vậy, ngay sau khi chọn Bình Định là điểm thực tập, các sinh viên này đã chủ động nhờ một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Bình Định liên hệ để xin tập thêm một số bài võ cổ truyền Bình Định.
Sébastien Hermann cho biết: “Tôi đã được biết về võ cổ truyền Việt Nam qua nhiều kênh thông tin, ngay ở trường các giáo viên cũng nói về môn võ nổi tiếng này. Vì vậy, tôi rất muốn tìm hiểu và học một số bài võ Bình Định. Thật may mắn là tôi đã được các võ sư của Trung tâm Võ thuật cổ truyền chỉ dẫn khá nhiệt tình. Hiện tôi đã tập được hết các động tác của bài Quyền thiền sư, sắp tới các võ sư, HLV chỉ thêm bài Thái sơn côn”.
Dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, nhưng với niềm đam mê rất lớn đối với võ cổ truyền, các sinh viên Pháp này đã nắm bắt các động tác khá nhanh. Cứ sáng sớm và chiều tối, họ lại đến Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh để tập. Với gương mặt ướt đẫm mồ hôi nhưng lộ vẻ hài lòng sau buổi tập sáng, cô sinh viên Juliette Coutureau cho biết: “Ngoài thời gian thực tập ở bệnh viện, chúng tôi dành quãng nghỉ trưa để ôn lại những động tác đã học. Được tập luyện trong một không gian gồm nhiều võ sinh trẻ, có cả cụ già tập dưỡng sinh và đội tuyển võ cổ truyền Bình Định thật thú vị. Tôi dự định khi trở về Pháp sẽ tham gia vào một CLB võ cổ truyền Bình Định để tập luyện thêm, để trong thời gian tới có thể trở lại đây tham gia một kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam”.
Dạy võ để quảng bá
Theo võ sư Trần Duy Linh, HLV nội dung biểu diễn đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, cái khó nhất của việc dạy võ cho người nước ngoài là sự khác biệt về ngôn ngữ. “Với vốn tiếng Anh của mình, chúng tôi có thể hướng dẫn cho các võ sinh hiểu các đòn thế và yêu cầu của các bài võ. Tuy nhiên, với một võ sinh không biết sử dụng tiếng Anh thì mọi việc trở nên khó hơn rất nhiều”, võ sư Trần Duy Linh nói thêm.
Đây là một vấn đề cần quan tâm khi chúng ta muốn quảng bá võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè ở nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, có thể trong thời gian tới chúng ta sẽ có nhiều đối tượng khác nhau đến đặt vấn đề học võ. Do đó, việc chuẩn bị những tài liệu, bài tập phù hợp cho từng đối tượng cũng là điều cần được tính đến.
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã có những giáo án riêng cho nhiều đối tượng võ sinh khác nhau, kể cả những khách du lịch chỉ lưu lại Bình Định trong vài ngày ngắn ngủi. Trong đó, tất cả các bài, đòn thế đều mang nét đặc trưng của võ Bình Định. Mong muốn phổ biến võ cổ truyền Bình Định đến với nhiều đối tượng trong và ngoài nước, Trung tâm không đặt nặng vấn đề thu phí tập luyện của các võ sinh. Tuy nhiên, chúng tôi có tính toán đến việc sẽ tổ chức các buổi giao lưu dành cho các võ sinh nước ngoài, qua đó có thể nói rõ hơn về nguồn gốc, những điểm chung về võ cổ truyền Bình Định. Từ đó, các võ sinh này sẽ là một kênh quảng bá tốt cho chúng ta đến với bạn bè và người thân của họ”.
LÊ CƯỜNG