Trung tâm học tập cộng đồng: Làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động?
Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một thiết chế để xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, những năm qua, vì nhiều lý do hoạt động của các trung tâm này chưa hiệu quả. Với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ trong tỉnh, ngày 11.11, tại TP Quy Nhơn, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo bàn về nội dung này.
Các báo cáo, tham luận tại hội thảo cho thấy đang có rất nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho hoạt động của thiết chế này.
Nhiều khó khăn, bất cập
Từ năm 2008, theo phân cấp quản lý, các trung tâm do UBND xã quản lý và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 149 TTHTCĐ phủ kín 93,7% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, với 145 giám đốc, 243 phó giám đốc, 169 nhân viên.
Các đại biểu tham dự Hội thảo nghiên cứu, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho mô hình “học tập cộng đồng”.
Khó khăn đầu tiên là nhận thức của một bộ phận cán bộ xã và cả người dân về “học tập trong cộng đồng” còn rất thấp. Trong khi đó, tất cả cán bộ quản lý và nhân viên tại các TTHTCĐ hiện nay đều kiêm nhiệm, nên việc đầu tư thời gian, tâm trí để nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm chỉ ở mức được đến đâu hay đến đó. Phần lớn các trung tâm chưa có trụ sở riêng; một vài trung tâm chưa được trang bị thiết bị tối thiểu như ampli, micro.
Thay vì phải thăm dò nhu cầu và tổ chức lớp học tại các thôn, xóm cho từng nhóm người có những nhu cầu cụ thể, thì các lớp học hiện nay chủ yếu tập trung học viên về một điểm - thường là hội trường UBND xã - để học. Do chưa phối hợp tốt với các hội, đoàn thể trong tổ chức lớp học nên một số trung tâm gần như chỉ giữ vai trò cung cấp trụ sở để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Một khó khăn nữa là kinh phí hoạt động bố trí cho các trung tâm rất ít, thậm chí ở huyện Vân Canh còn không có kinh phí để hoạt động, mặc dù từ năm 2008, Bộ Tài chính và sau đó UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ.
Theo Sở Tài chính, hàng năm Sở cân đối nguồn kinh phí từ 2-3 tỉ đồng dành cho các trung tâm, và gói luôn một cục vào kinh phí giáo dục đào tạo của từng địa phương, gởi về UBND các huyện. Sau đó, có huyện cấp trực tiếp kinh phí cho hoạt động của trung tâm vào ngân sách xã; huyện khác thì giao kinh phí về phòng GD&ĐT để phòng trích về xã. Cũng có nơi, phòng Tài chính huyện giữ lại số kinh phí đó để duyệt cấp cho trung tâm theo từng hoạt động được đề nghị...
Làm sao gỡ khó?
Tại Hội thảo, nhiều địa phương kiến nghị cần có quy chế chung cho việc cấp kinh phí. Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân Giang Trung phát biểu: “Ngay
từ đầu năm, cấp tỉnh cần hướng dẫn cấp huyện cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo phân cấp để các TTHTCĐ chủ động xây dựng kế hoạch thu, chi của mình”.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Huỳnh Đăng Khanh:
Từ đầu năm, cán bộ của trung tâm nên tiến hành điều tra nguyện vọng các tầng lớp nhân dân trong địa phương mình, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức lớp. Nếu không cắm rễ sâu vào xã, phường, thị trấn, vào từng thôn, làng, khu phố... thì không thể nói đến chuyện “ai cũng học tập”, không thể xây dựng thành công xã hội học tập.
Để hoạt động của trung tâm hiệu quả, ngoài ban giám đốc đều là những người kiêm nhiệm, theo quy định, Phòng GD&ĐT phải biệt phái 1 giáo viên về trung tâm làm công tác chuyên trách. Tuy nhiên, thời gian qua, vì chế độ chính sách không thỏa đáng nên việc này không thể thực hiện được.
“Tỉnh cần có văn bản thống nhất, chỉ đạo đồng bộ việc điều động 1 giáo viên sang TTHTCĐ xã làm việc. Khi điều động, phải đảm bảo giữ nguyên các chế độ, chính sách như lúc họ đang công tác trong ngành giáo dục”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường kiến nghị.
Lãnh đạo các trung tâm đã đề nghị, thời gian tới, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị để các trung tâm hoạt động hiệu quả hơn. Sở GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ, tổng kết hoạt động các TTHTCĐ hàng năm. Để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những lợi ích của mô hình “học tập cộng đồng”.
Khép lại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm phát biểu: “Sở GD&ĐT sẽ tổng hợp ý kiến từ Hội thảo và báo cáo UBND tỉnh. Thời gian tới, Sở mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành trong tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả hơn”.
NGỌC TÚ