Thi thử trắc nghiệm: Vẫn lúng túng
Khó từ khâu ra đề
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa ở tất cả các môn để thầy và trò tham khảo. Tuy nhiên, với nhiều môn lần đầu tiên thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm như Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý thì đây là một thách thức lớn với cả người dạy và người học.
Các năm học trước những môn này đều thi theo hình thức tự luận (trừ môn Giáo dục công dân là năm đầu tiên trở thành môn thi chính thức) nên học sinh đã được dạy và ôn luyện theo cách cũ.
Thay đổi này bắt đầu từ thầy cô khi phải soạn giáo án mới để phù hợp với cách thi mới. Hướng dẫn học sinh làm sao vẫn nắm được kiến thức nhưng phải đảm bảo tốc độ khi làm bài bởi với cùng một thời gian như trước nhưng số lượng câu hỏi rất nhiều.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy (Trường THPT Phủ Lý A, Hà Nam) cho biết, may mắn là năm nay nội dung đề thi năm nay chỉ nằm trong chương trình lớp 12 nên cũng thuận lợi hơn cho giáo viên khi chú trọng trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh. Đồng thời, tập trung trang bị kỹ năng làm bài, tính toán nhanh cho các em để phù hợp với dạng đề trắc nghiệm.
Tuy nhiên, vì chưa có tiền lệ nên với những môn như Toán, Lịch sử... các trường phải tự soạn thảo ngân hàng đề thi cho học sinh làm quen. Nhiều đại diện trường cho biết đã quán triệt với các thầy cô trong tổ bộ môn phải ra đề sao cho bám sát với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Nhưng ngay cả với ngân hàng đề thi mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng, những câu hỏi về độ khó tương đương của các câu hỏi, liệu có công bằng giữa các mã đề thi trong một môn thi... đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Nên việc các thầy cô lúng túng khi soạn đề là không tránh khỏi.
Thay đổi để thích nghi
Lãnh đạo nhiều trường như Trường THPT Thăng Long, THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội)... cho biết, không chỉ với khối lớp 12 mà từ lớp 10, lớp 11 đã yêu cầu các thầy cô phải thay đổi cách dạy, cách truyền đạt, kết hợp giữa hình thức kiểm tra tự luận kết hợp với trắc nghiệm.
Ông Phan Huy Chính- Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức A cho biết, với những câu hỏi có thể xây dựng theo hướng lồng ghép các môn Hoá, Lý, Sinh thành một câu hỏi hay kiến thức Địa, Sử, Giáo dục công dân thành một câu hỏi, thì hiện nay nhà trường đang đưa ra để học sinh tiếp cận, làm thử từ đó rút kinh nghiệm để xem các em còn yếu ở kỹ năng nào thì tập trung vào đó.
Riêng môn Giáo dục công dân vốn trước nay không được đưa vào môn thi chính thức nên ở nhiều trường, tâm lý của cả giáo viên và học sinh đều không quá chú trọng đến môn này. Thậm chí, vào những thời điểm cuối năm gấp rút các thầy cô bộ môn nằm trong danh sách thi chính thức còn “xin giờ” của môn học này để có thêm thời gian ôn tập cho học sinh.
Năm nay, nhiều thầy cô giảng dạy môn Giáo dục công dân cho biết ý thức học tập của học sinh đã được cải thiện, không còn kiểu học đối phó. Tuy nhiên, do số lượng giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân của mỗi trường thường khá ít, mỗi thầy cô thường kiêm nhiều khối lớp nên đây là một trong những khó khăn nhất của hầu hết các trường.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường cần tổ chức dạy học bám sát chương trình giáo dục lớp 12 và ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ. Bộ cũng chỉ đạo giáo viên cần tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan.
Từ đó giúp cho học sinh trang bị được kiến thức, kỹ năng một cách vững chắc; vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách linh hoạt, sáng tạo để trước mắt các em thực hiện kỳ thi học kỳ I vào tháng 12 tới đây.
Theo Thu Hương (Đại đoàn kết)