Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ cơ bản:
Không phải là món quà, không phải là ban ơn
Thông điệp “Một thế giới cho tất cả” xuất phát từ chuỗi chương trình giao lưu cùng tên do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) phối hợp với Sở LÐ-TB&XH tổ chức tại 2 trường Cao đẳng Y tế Bình Ðịnh và Ðại học Quy Nhơn trong năm 2016. Chương trình khẳng định, tiếp cận dịch vụ cơ bản của xã hội, trong đó có tiếp cận về giáo dục, là quyền của người khuyết tật (NKT).
Tọa đàm giữa người khuyết tật và đại diện Trung tâm DRD, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định tại Chương trình “Một thế giới cho tất cả”.
Khao khát học tập, vươn ra cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa (42 tuổi, ở số 5 Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn; Chủ nhiệm CLB Thiện Duyên) là đại diện NKT ở chương trình “Một thế giới cho tất cả” tại Bình Định. Bị bại liệt từ nhỏ, chị Hoa chưa từng được đi học tại trường phổ thông bởi kinh tế gia đình eo hẹp, ba mẹ cũng không có thời gian để giúp chị đến lớp, trong khi những bậc tam cấp ở trường học lại quá đỗi khó khăn với chị.
Dẫu vậy, chị vẫn khao khát được đi học. Chị biết đọc, biết viết nhờ vào sự chỉ dạy của mẹ và anh trai. Khi trưởng thành, chị mạnh dạn đăng ký tham gia các khóa học ngắn hạn về tiếng Anh, tin học văn phòng, thêu may… “Để tham gia được những khóa học này, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, thầy giáo. Thầy giáo biết mình thích học nên thường hay đến sớm để cùng các bạn giúp tôi vào lớp. Vào được lớp rồi, mình hạn chế di chuyển, cố gắng không uống nước, không sử dụng nhà vệ sinh... để tránh làm phiền các bạn” - chị Hoa tâm sự.
“Nếu chỉ giúp đỡ NKT như sự ban ơn, họ sẽ trở nên tự ti về khả năng của chính mình, từ đó thiếu nỗ lực”
Ông NGUYỄN VĂN CỬ, Phó Giám đốc Trung tâm DRD
Không trực tiếp đến được các buổi giao lưu, anh Nguyễn Chung Tú (NKT vận động, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, quê ở tỉnh Tiền Giang) đến với các buổi giao lưu thông qua clip do Trung tâm DRD thực hiện. Tú sinh ra là một đứa trẻ bình thường. Khi vào lớp 1, Tú đi bằng cách nhón nhón các đầu ngón chân. Lớp 4, Tú đi bằng hai tay; đến lớp 5, Tú đến trường trên đôi vai của mẹ. 20 năm liền, mẹ cõng Tú đến trường, mồ hôi của mẹ thấm ướt áo Tú sau mỗi lần leo cầu thang. Thấu nỗi khó khổ của mẹ, Tú nỗ lực rút ngắn thời gian học tập xuống còn 3,5 năm, trở thành Chủ nhiệm CLB công tác xã hội Niềm tin ở trường đại học; vào đến vòng chung kết cuộc thi Siêu thủ lĩnh do VTV6 tổ chức năm 2013...
Tú ra trường, trưởng thành rồi nhưng mẹ Tú vẫn chưa dứt được gánh lo, bởi em trai của Tú vừa vào lớp 1 đã lại giống Tú, đi nhón nhón chân. Nếu “lịch sử lặp lại”, liệu bà có còn đủ sức để cõng con?
Tiếp cận là quyền
Xúc động với những khó khăn và cả nghị lực của NKT, các sinh viên đều cho rằng, NKT cần sự giúp đỡ của cộng đồng để được học tập và làm việc như người bình thường. Tuy nhiên, trong nhận thức của các bạn, sự giúp đỡ còn chưa đầy đủ. Trước khó khăn của chị Hoa, của Tú, các bạn chưa nhận ra rằng, thay đổi cơ sở vật chất mới mang tính bền vững.
Bà Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc Trung tâm DRD, giới thiệu với các bạn trẻ Trường Đại học Quy Nhơn về mô hình hỗ trợ dựa trên quyền tiếp cận của NKT - một khái niệm còn khá mới mẻ với họ, rằng: “Hỗ trợ NKT tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, công trình công cộng... không phải là món quà, không phải là sự ban ơn. Đó là quyền lợi. “Một thế giới cho tất cả” là không có rào cản cho bất kỳ ai. Ở đó, NKT được tiếp cận cuộc sống, học tập và làm việc bằng khả năng của họ, theo cách của họ”.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm DRD, bàn đến việc giúp NKT hiểu được quyền và khả năng của họ. Nếu chỉ giúp đỡ NKT như sự ban ơn, họ sẽ trở nên tự ti về khả năng của mình, từ đó thiếu nỗ lực. Những năm qua, DRD thực hiện nhiều chiến dịch làm thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực NKT bằng cách cung cấp gói hỗ trợ: học bổng, việc làm, học nghề, hỗ trợ di chuyển...
Đại diện các trường như ông Lê Quang Đáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Định; ông Nguyễn Khắc Khanh, Bí thư Đoàn trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: Thời gian qua, các trường đã có một vài chính sách hỗ trợ sinh viên khuyết tật như trao học bổng, di chuyển phòng học có NKT xuống lầu trệt... Việc thay đổi cơ sở vật chất hiện có là rất khó; tuy nhiên, khi có kế hoạch sửa chữa hay xây mới trong thời gian tới, nhà trường sẽ cân nhắc để có thiết kế phù hợp, có tính đến vấn đề tiếp cận cho NKT.
NGUYỄN MUỘI