Chuyện gia đình thời hiện đại
Cuộc sống gia đình đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các thiết bị công nghệ và lối sống hiện đại. Tự mỗi người, mỗi gia đình hãy tìm “phương thuốc” phù hợp để phòng tránh “căn bệnh” của gia đình thời hiện đại.
Đi du lịch, dã ngoại sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
1.
Mới hôm rồi, tôi và một số phụ huynh có con học cùng lớp có dịp gặp nhau trò chuyện. Trong lúc tám chuyện, các mẹ đều than: Hình như con của mình đang sống ở một thế giới khác. Ngoài chuyện tâm sinh lý thay đổi, khó bảo vì tuổi “ẩm ương”, con lại có xu hướng muốn rút vào thế giới của mình: tay luôn cầm điện thoại di động và chốt cửa mỗi khi vào phòng riêng.
Nhưng 3 trong 5 phụ huynh của nhóm cũng tự nhận rằng, ngoài việc phải lo toan chuyện nội trợ, dọn dẹp trong gia đình, thời gian còn lại, họ cũng thích đắm mình vào “vỏ ốc” bằng cách lướt facebook hóng chuyện, chơi trò chơi điện tử, xem tin tức hoặc xem phim, hơn là dành thời gian để lắng nghe, trò chuyện cùng chồng và các con. Thậm chí, có mẹ tai nghe con nói nhưng mắt vẫn dán vào màn hình, tranh thủ lướt web khi con có việc muốn hỏi.
2.
Song điều đó không phải là hiện tượng cá biệt mà đang dần trở thành xu thế chung. Bởi vào ngày 23.11.2016, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã công bố mức độ hài lòng trong các mối quan hệ cá nhân, được thực hiện với hơn 5.000 cuộc phỏng vấn những người trưởng thành (từ 25 -55 tuổi) tiến hành vào tháng 7.2016 tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Một thông tin đáng chú ý trong nghiên cứu này là nguy cơ gia đình Việt Nam bị chia rẽ bởi công nghệ.
Bằng chứng là các cặp đôi và cả phụ huynh Việt Nam thường dành thời gian cho điện thoại hơn là quan tâm đến nhau hay trò chuyện với các thành viên trong gia đình. 32% các cặp đôi được phỏng vấn cho biết, một trong những nguyên nhân khiến họ cãi nhau chính là vì dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại và máy tính; 28% cho biết họ thích sử dụng điện thoại hơn là dành thời gian cho người thân của mình.
3.
Cuộc sống thời hiện đại nên hẳn nhiên, suy nghĩ, lối sống của các thành viên trong gia đình theo đó cũng phải thay đổi. Thế nhưng, đôi lúc chính bởi sự quá hiện đại, quá bận rộn và quá sòng phẳng về tài chính cũng như các mối quan hệ đã dẫn đến sự hụt hẫng, thậm chí bất hạnh cho các thành viên khác, thậm chí cho cả gia đình.
Một hiệu trưởng trường THPT ở TP Quy Nhơn mới đây kể chuyện, một nữ học sinh ngoan ngoãn, học giỏi đâm ra bất cần đời kể từ khi bị cuốn vào cuộc chiến giữa ba và mẹ. Phát hiện chồng ngoại tình, người mẹ âm thầm sao lưu tin nhắn, tìm bằng chứng của chồng đưa cho con gái xem, tìm kiếm đồng minh. Tuy nhiên, sau lần tình cờ phát hiện máy điện thoại của mẹ cũng có những tin nhắn mùi mẫn của người tình, cháu mất hết niềm tin vào người lớn và có cảm giác bị phản bội. Học sinh này đã trả thù bằng cách trốn nhà, rủ bạn trai vào Sài Gòn sống chung.
Lại có gia đình hiện đại quá đến mức cả tuần, thậm chí cả tháng, bếp không đỏ lửa vì cả vợ lẫn chồng đều bận rộn làm ăn, chỉ phát tiền cơm hàng ngày cho con là xong. Chuyện về sớm hay muộn của mỗi thành viên gia đình cũng chẳng còn được ai quan tâm, mong ngóng hay hỏi han; mái nhà gần như chỗ trọ. Có lần, một sinh viên tâm sự với tôi, ba mẹ cậu ta sòng phẳng với nhau về tiền bạc đến độ, khi con học đại học, cả hai thỏa thuận mỗi người cùng chi học phí, sinh hoạt phí nửa năm đầu cho con. “Ba mẹ cùng xìa tiền ra ngay trước mặt tôi, thậm chí so sánh người ít, kẻ nhiều, khiến tôi buồn quá. Thà đừng đậu đại học để khỏi biết cái cảnh này”.
4.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ngày càng nhiều gia đình đứng trước bờ vực tan vỡ bởi quá bận rộn với chuyện “cơm áo gạo tiền” và các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Nhiều gia đình ở thành thị thường xuyên có cảnh con cái bận đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, nên bữa cơm tụ họp gia đình cứ thưa thớt dần. Hơn 60% trong số gần 23.000 người tham gia một cuộc khảo sát trực tuyến về thời gian dành cho bữa ăn gia đình đã trả lời chỉ ăn tối với gia đình một lần trong một tuần. Thời gian dành cho gia đình ít, quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo cho đến khi không thể tìm được tiếng nói chung, hẳn khó tránh khỏi đổ vỡ.
Thật khó tránh khỏi “căn bệnh” của cuộc sống gia đình thời hiện đại. Nhưng tự mỗi người, mỗi gia đình sẽ phải tìm ra những “phương thuốc” phù hợp để phòng tránh. Chị Phạm Thị Trang, nhà ở hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn, tâm sự: “Tôi luôn cố duy trì bữa cơm tối với đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Nếu con bận học thêm giờ đó, tôi xin chuyển giờ học hoặc sẵn sàng cho con nghỉ luôn “cua” đó. Bữa trưa hai vợ chồng tôi đã không thể ăn cơm nhà do đi làm xa; nên bữa tối là dịp cả gia đình ngồi nói chuyện và nghe con kể chuyện ở trường, ở lớp. Từ đó, vợ chồng tôi mới biết mà điều chỉnh, uốn nắn”.
PGS-TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ các phương pháp giúp nuôi dưỡng sợi dây tình cảm gia đình bền chặt :
1. Nói không với thiết bị công nghệ ít nhất 20 phút mỗi ngày: Mỗi ngày, cha mẹ nên tắt các thiết bị công nghệ ít nhất 20 phút, dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với con. Khi trò chuyện, hãy tỏ ra tôn trọng nhau, từ đó con cái mới tôn trọng cha mẹ.
2. Dành 20 phút mỗi ngày để ăn uống cùng nhau: Trường hợp quá bận rộn không thể nấu cơm, cả nhà có thể “đổi khẩu vị” ra tiệm ăn vài bữa trong một tuần.
3. Tặng quà: Hãy tận dụng những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới để tặng quà cho các thành viên trong gia đình.
4. Tiếp xúc da thịt: Dành người thân những cái ôm yêu thương là cách thể hiện tình cảm hiệu quả nhất. Nếu ngại ôm con đã lớn, cha mẹ chỉ cần tiếp xúc giản dị như vỗ vai, xoa đầu, bắt tay…
5. Du lịch: Cũng là dịp để các thành viên trong gia đình được quây quần, tận hưởng những ngày nghỉ ấm áp bên nhau
6. Vui chơi, mua sắm cùng nhau: Hãy chọn địa điểm phù hợp để tất cả các thành viên đều có thể tham gia vào việc mua sắm kết hợp với vui chơi, ăn uống.
7. Cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa: Hãy lên kế hoạch cuối tuần hoặc cuối tháng dành ra 20 phút để gia đình cùng nhau tổng dọn dẹp, trang trí lại ngôi nhà của mình. Như thế sẽ mang đến bầu khí ấm áp, thân tình hơn.
8. Tham gia vào các hoạt động của con: Hãy tạo cho con cảm giác được thuộc về bạn và được quan tâm. Tham gia các buổi họp phụ huynh, sự kiện do trường tổ chức, những bữa tiệc liên quan đến con; chuẩn bị cơm hộp cho bé ăn ở lớp, xem bóng đá cùng con…
HOÀNG VÂN