Phong trào văn nghệ ở Trường THCS Ðống Ða (TP Quy Nhơn): Hào hứng, đa dạng sắc màu
May mắn sở hữu nhiều giọng ca hay, thành lập và duy trì được CLB âm nhạc; nhiều phụ huynh ủng hộ, giáo viên phụ trách tâm huyết… đó là những lợi thế để Trường THCS Ðống Ða (TP Quy Nhơn) tổ chức tốt hoạt động văn nghệ trong nhà trường.
Tiết mục đoạt giải Nhì song ca của Trường THCS Đống Đa tại Hội thi Tài năng tuổi thơ TP Quy Nhơn - Trung thu 2016.
Trên đất tốt
Lợi thế đầu tiên phải kể đến là trong học sinh của Trường, có một số giọng hát hay được giáo viên phụ trách (Tổ Âm nhạc) phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện để phát huy năng khiếu. Nhờ đó, một số “cây văn nghệ” của Trường đã đoạt thành tích cao tại các cuộc thi hát thiếu nhi cấp thành phố, cấp tỉnh.
Trong số này, có thể kể đến Minh Nhật - một giọng hát rất có thế mạnh về dòng nhạc mang âm hưởng dân ca - đã đoạt giải đơn ca xuất sắc tại Hội thi Tài năng trẻ thơ TP Quy Nhơn - Trung thu 2016. Hoặc như giọng hát khỏe khoắn, đáng yêu Trung Quân, với những bản nhạc rock nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, từng đoạt giải Nhì và giải Phong cách (khối THCS) tại Hội thi Giọng hát hay TP Quy Nhơn mở rộng năm 2015. Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số giọng ca nữ như: Gia Hân, Thùy Linh…
Từ tháng 10.2014, Trường THCS Đống Đa thành lập CLB âm nhạc. Đây là sân chơi thiết thực, hào hứng cho những học sinh có năng khiếu hát, múa, chơi đàn organ hay guitar. Theo giáo viên âm nhạc Đoàn Mạnh Dũng, phụ trách CLB, hiện CLB có khoảng 40 học sinh tham gia sinh hoạt. Từ khi có CLB, các em học sinh có thêm sân chơi, phong trào văn nghệ của Trường cũng phát triển mạnh hơn; những học sinh có tố chất tốt được bồi dưỡng, phát huy.
Không chỉ biểu diễn trong trường, CLB còn tham gia một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của phường, ngành Giáo dục thành phố; có em được tuyển tham gia các sự kiện toàn quốc như Búp Sen Hồng (năm 2015, 2016), Festival các nhà văn hóa thiếu nhi toàn quốc (năm 2016)…
Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đối với phong trào, theo thầy Dũng, quan trọng không kém là sự ủng hộ của phụ huynh và nhất là “cam kết” không để sinh hoạt văn nghệ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của học sinh.
Ða dạng sắc màu
Có mặt tại buổi giao lưu văn nghệ giữa Hội VHNT tỉnh và Trường THCS Đống Đa vào giữa tháng 11.2016, ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh - một người dành nhiều công sức để nghiên cứu văn hóa dân gian - khá ngạc nhiên và xúc động khi thưởng thức tiết mục “Ngọt ngào giai điệu quê hương”, trong đó có nhiều làn điệu dân ca khu V như điệu khoan hò, hò tát nước, hơ rí, đặc biệt là sự xuất hiện của vè.
Theo ông Pha, đưa vè, đồng dao vào các bài hát dân ca, nếu không có kiến thức, chuyên môn và làm cho khéo, rất dễ biến thành… hô lô tô. Vậy mà một trường THCS làm được và thể hiện khá bài bản, ra chất cổ.
Có thể nói, trong nhịp sinh hoạt sôi nổi, giàu màu sắc của văn nghệ Trường THCS Đống Đa, có đóng góp đầy nhiệt huyết của thầy Đoàn Mạnh Dũng. Thầy Dũng cho biết: “Thành lập CLB, dù tự đề xuất ra thêm rất nhiều việc phải làm, song tôi thấy rất vui. Ngày nhỏ, tôi rất mê hát hò song nhút nhát lắm, cứ mong có ai đó kéo mình lên sân khấu, để hát trước nhiều người. Giờ, cái cảm giác được hỗ trợ, khuyến khích các em phát huy năng khiếu, làm tôi thấy vui vô cùng. Là người con Bình Định, giảng dạy âm nhạc trong trường học, tôi mong được góp phần đưa dân ca, bài chòi đến học sinh. Tôi còn nuôi ý định đưa tuồng như một thể loại tìm hiểu mới cho CLB từ lâu; song để hiểu tuồng cần nhiều thời gian, diễn được tuồng còn mất thời gian hơn, sợ ảnh hưởng đến việc học của các em. Bởi thế, tôi cứ trăn trở mãi…”.
SAO LY