Động lực để bứt phá!
Đại hội XII của Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể hóa định hướng trên, Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua đã đề ra mục tiêu phát triển mạnh khu vực KTTN. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, Nhà nước còn chủ trương thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh để làm nòng cốt và các mũi nhọn kinh tế.
Cả nước hiện có trên 500 ngàn DN thuộc khu vực KTTN, chiếm gần 90% số DN của cả nước. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 91.000 DN thành lập mới và năm 2016 sẽ là năm lập kỷ lục khi số DN thành lập mới có thể vượt mốc 100 ngàn. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2006-2015, khu vực KTTN đóng góp gần 50% GDP cả nước; với 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 64% tổng lượng hàng hóa, 80% tổng mức bán lẻ và dịch vụ; thu hút 51% lao động, tạo ra 1,2 triệu việc làm mới mỗi năm... KTTN đã khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cho đến nay, trên thực tế trong công tác quản lý của Nhà nước và tâm lý xã hội KTTN vẫn bị không ít sự phân biệt đối xử, gặp khó khăn và thua thiệt trong việc tiếp cận cơ hội đầu tư, đất đai, nguồn vốn tín dụng... so với các loại hình DN khác. Theo các số liệu phân tích đã được công bố, hiện có tới 70% tín dụng là dành cho khoảng 2% DN lớn, số DN vừa được khoảng 5%, còn DN nhỏ và siêu nhỏ (số lượng khoảng 400 ngàn) chỉ hưởng được khoảng 20 - 25%. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm 0,9% về số lượng, 12,8 % về lao động, tạo ra 32% GDP của cả nước nhưng chiếm tới 25,9% vốn và các nguồn lực đầu tư.
Sự phân biệt đối xử làm cho DNTN phải hoạt động trong môi trường kinh doanh không thuận lợi, bị cạnh tranh bất bình đẳng là các rào cản rất lớn kìm hãm sự phát triển của một khu vực kinh tế vốn rất năng động và hiệu quả. Rất may và rất kịp thời là Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế của Quốc hội khóa XIV mới ban hành đã phát một tín hiệu mạnh mẽ cho việc loại bỏ bất bình đẳng này. Cụ thể là Quốc hội chủ trương xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo các nguyên tắc thị trường, chấm dứt việc bơm vốn giải cứu DNNN và tổ chức tín dụng làm ăn không hiệu quả. Đây là sự chấm dứt bao cấp một cách dứt khoát đối với DNNN, mở ra cơ hội phân bổ hợp lý và hiệu quả hơn các nguồn lực của xã hội như vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh... cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có KTTN.
Một khi không còn sự phân biệt đối xử từ phía Nhà nước, được hoạt động trong môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng theo nguyên tắc thị trường là điều kiện thuận lợi để khu vực KTTN có sự “bung ra” phát triển mạnh mẽ và hiệu quả, góp phần nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, xứng tầm là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn sắp tới và lâu dài.
HẢI ÐĂNG