Nhiều công trình “Thắp sáng đường quê” ở huyện Phù Mỹ:
Bị cắt điện vì nợ tiền điện
Hiện nay, nhiều công trình điện “Thắp sáng đường quê” của một số xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ không phát huy tác dụng vì đã bị cắt điện do nợ tiền điện trong nhiều tháng.
Chỉ vì nợ tiền điện mà nhiều công trình “Thắp sáng đường quê” ở huyện Phù Mỹ hiện nay không phát huy tác dụng.
Phong trào “Thắp sáng đường quê” nhằm hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông và ANTT vào ban đêm ở huyện Phù Mỹ hình thành từ năm 2014, ban đầu làm theo kiểu tự phát ở một số xã như Mỹ Lợi, Mỹ Thọ. Tuy nhiên, từ hiệu quả thiết thực phong trào này mang lại, đến năm 2015, UBND huyện Phù Mỹ đã cho chủ trương hỗ trợ mỗi xã, thị trấn (tổng cộng có 19 địa phương) xây dựng 5 km “Thắp sáng đường quê” từ nguồn ngân sách huyện. Theo đó, mỗi km “Thắp sáng đường quê” được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng gồm: 40 - 50 bóng đèn (loại bóng công suất 36W - 50W), trụ điện, công tơ điện (khoảng cách giữa 2 công tơ từ 200 - 500m).
Được huyện hỗ trợ cộng với sự đóng góp tự nguyện của người dân, đến năm 2016, toàn huyện Phù Mỹ đã có 245 km đường quê được thắp sáng; trong đó, người dân tự nguyện đóng góp, xây dựng 125 km. Để đảm bảo hệ thống chiếu sáng hoạt động, UBND các xã, thị trấn đã đứng ra ký kết hợp đồng thanh toán với ngành Điện.
Thế nhưng, thời gian qua, do một số xã chậm thanh toán tiền điện trong nhiều tháng nên Điện lực Phù Mỹ đã tạm ngừng cung cấp điện cho các công tơ phục vụ chiếu sáng đường quê. Tính đến ngày 22.11.2016, còn 8/19 xã, thị trấn còn nợ tiền điện từ 1-20 triệu đồng nên bị Điện lực Phù Mỹ cắt từ 2-16 công tơ điện/xã. Trong đó, xã Mỹ Thành bị cắt nhiều nhất với 16/26 công tơ điện; xã Mỹ Hòa bị cắt 3/6 công tơ, xã Mỹ Đức: 4/8 công tơ, thị trấn Bình Dương: 2/7 công tơ, thị trấn Phù Mỹ bị cắt 3/5 công tơ, xã Mỹ Cát: 2/5 công tơ, xã Mỹ Quang: 3/6 công tơ, xã Mỹ Chánh: 2/17 công tơ.
Ông Hà Văn Thiết, Phó Trưởng phòng Kinh doanh của Điện lực Phù Mỹ, giải thích: “Các địa phương chậm thanh toán tiền điện dù chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản thông báo thu tiền điện, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị”.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ, trước khi xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, người dân cùng chính quyền các xã, thị trấn đã thống nhất: Các hộ dân trực tiếp thụ hưởng sẽ tự nguyện nộp 7.000 đồng/hộ cho trưởng thôn để trưởng thôn nộp lại cho UBND xã, thị trấn thanh toán tiền điện với ngành Điện. Tuy nhiên, do việc thông báo thanh toán tiền điện hiện nay đã đổi sang hình thức nhắn tin qua điện thoại hoặc qua email thay cho việc gửi thông báo bằng giấy báo trực tiếp như trước, nên một số cán bộ văn phòng UBND các xã, thị trấn chưa quan tâm, thông báo kịp thời lại cho các trưởng thôn, dẫn đến tình trạng nợ tiền điện nhiều tháng liền. “Như tại xã Mỹ Thành, 9/9 trưởng thôn đều nói họ không nhận được thông báo tiền điện kịp thời từ chính quyền địa phương”- ông Trần Minh Trung, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ, dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, việc nhiều công trình “Thắp sáng đường quê” bị cắt điện như hiện nay vừa gây lãng phí công trình, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ANTT tại địa phương. Do vậy, mới đây, UBND huyện đã chỉ đạo bằng văn bản gửi đến UBND các xã, thị trấn yêu cầu phải chi trả tiền điện nhằm đảm bảo điện chiếu sáng cho các công trình. “UBND huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 3 km “Thắp sáng đường quê” cho mỗi xã, thị trấn vào năm tới. Nếu địa phương nào không thanh toán tiền điện, UBND huyện kiên quyết không cấp kinh phí. Còn việc thanh toán tiền điện, đến nay, huyện vẫn chưa có phương án tối ưu nào để ngăn ngừa tình trạng nợ đọng tiền điện” - ông Dũng nói.
Theo đề xuất của ông Hà Văn Thiết, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Phù Mỹ: “Để đơn giản việc thanh toán tiền điện, chính quyền địa phương nên làm thủ tục sang tên hợp đồng mua bán điện cho các trưởng thôn, để họ có trách nhiệm thu tiền điện; hoặc UBND các xã, thị trấn ứng trước tiền ngân sách xã để nộp tiền điện, sau đó thu lại tiền của người dân”.
PHÚC LỘC