Phong trào TDTT xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh):
Phát triển từ ý thức tự giác của người dân
Cơ sở vật chất nghèo nàn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào TDTT xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) không vì thế mà yếu kém. Ngược lại, nhờ ý thức tự giác, chọn cho mình môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe, tích cực tham gia các giải đấu, xã Vĩnh Thịnh luôn tạo được bất ngờ ở các giải đấu cấp huyện.
Thanh niên làng M2 (xã Vĩnh Thịnh) hàng ngày cùng nhau tập bóng chuyền. Ảnh: LONG VŨ
1.
Cả xã Vĩnh Thịnh hầu như không có một công trình thể thao nào tạm gọi là bài bản. Xã có 7 thôn, 2 làng đều có quy hoạch đất để xây dựng công trình thể thao, nhưng đến nay vẫn còn một số thôn chưa có sân bóng chuyền. Thế nhưng, điều đó không làm cho người dân ở đây lơ là với các hoạt động TDTT.
Để tăng cường sức khỏe bản thân, nhiều người đã tham gia tập bóng đá, bóng chuyền…; người ít có điều kiện hơn thì đi bộ. Xã có khu đất trống để làm sân bóng đá 11 người và sân 7 người. Chẳng cần có khán đài, mặt sân toàn đất đá, trụ gôn “dã chiến”, nhưng hàng ngày vẫn thu hút nhiều cầu thủ chân đất tham gia. Thi thoảng, thanh niên trong xã mới ra thị trấn để đá bóng sân cỏ nhân tạo. Vậy nhưng, ở những kỳ Đại hội TDTT cấp xã trước đây, hầu hết các thôn, làng đều có đội bóng tham gia thi đấu bóng đá 11 người. Ở các giải bóng đá cấp huyện, đội bóng xã Vĩnh Thịnh luôn nằm trong tốp dẫn đầu.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, cán bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao xã Vĩnh Thịnh, điều đặc biệt nữa là 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số M2 và M3 lại có phong trào TDTT mạnh hơn cả 7 thôn còn lại. Cả 2 làng đều có đội bóng chuyền nữ, đội bóng đá. Riêng làng M2 có đội cồng chiêng kiêm luôn CLB bóng đá, thường xuyên tổ chức giao lưu với những đội bóng lân cận. Kinh phí hàng năm xã Vĩnh Thịnh bố trí cho TDTT khá eo hẹp (ngân sách mỗi năm cho hoạt động văn nghệ, TDTT của xã chỉ khoảng 11 triệu đồng), và không có doanh nghiệp nào tài trợ các hoạt động TDTT. Tuy nhiên, mỗi khi có giải đấu do huyện tổ chức, thanh niên trong xã đều rất nhiệt tình tham gia.
2.
Để giữ lửa cho phong trào ở địa phương, ông Nguyễn Kim Khoa phải chịu khó đến từng nhà để vận động mọi người tạm gác công việc để tham gia thi đấu. Là “đầu tàu”, có tiếng nói nhất định đối với thanh niên trong xã, ở các giải đấu, ông Khoa còn bỏ tiền túi treo giải thưởng nho nhỏ để động viên tinh thần anh em tham gia. Nhà có ao cá, nhiều khi thi đấu xong ông kéo cả đội về nhà thả lưới bắt cá liên hoan, vừa hào hứng, vừa… tiết kiệm. “Mình sống thiệt tình nên anh em thương. Bên cạnh đó, bà xã cũng hiểu công việc mà nhiệt tình ủng hộ. Nhờ đó, mới duy trì được phong trào như hiện nay” - ông Khoa bộc bạch.
Tại Đại hội TDTT huyện Vĩnh Thạnh năm 2013, xã Vĩnh Thịnh đoạt giải Nhất toàn đoàn. Trong đó, đội bóng xã đoạt chức vô địch môn bóng đá, vô địch môn bóng chuyền; các VĐV giành giải Nhất đồng đội chạy việt dã; giải Ba đồng đội nữ môn cầu lông... Xã đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển huyện tham gia các giải cấp tỉnh.
Tuy nhiên, với cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí eo hẹp, rất khó để xã duy trì được thành tích này trong những năm tiếp theo. Ông Khoa tâm sự: “Mong muốn của tôi là thành lập các CLB thể thao riêng cho từng môn để hoạt động sôi nổi hơn, nhưng với điều kiện sân bãi và kinh phí như hiện nay, điều đó quả thực rất khó. Tôi cũng không chắc Đại hội TDTT cấp huyện sắp tới, xã có giữ được ngôi đầu hay không. Nhưng dù sao, thấy nhiều người có ý thức rèn luyện TDTT cũng vui rồi”.
LÊ CƯỜNG