Đại học tự chủ: Sẽ thu hút được người tài?
Khi được tự chủ về tài chính, các trường ĐH có thể thu hút người có trình độ cao giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo...
Luật Giáo dục Đại học (ĐH) đã quy định về việc tạo điều kiện để các trường ĐH tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm về các hoạt động đào tạo. Đặc biệt, khi được giao quyền tự chủ về tài chính, các trường có thể tự quyết định việc tuyển dụng giảng viên có trình độ cao vào giảng dạy cho sinh viên. Điều này sẽ góp phần vào thúc đẩy chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục ĐH.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) xung quanh việc tạo nguồn lực giảng dạy chất lượng cao cho các trường ĐH thông qua việc tự chủ ĐH.
PV: Thưa ông, Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Xin ông cho biết những việc làm cụ thể để đào tạo người có học vị cao giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH?
Ông Trần Anh Tuấn: Theo quy định, giảng viên ở bậc ĐH, đặc biệt là giảng viên chuyên ngành phải có trình độ tối thiểu là thạc sĩ trở lên. Trên thực tế, hầu hết giảng viên ở các trường ĐH đều có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chưa được như mong muốn.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc ĐH và xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, năm 2000, Chính phủ đã ban hành chương trình học bổng (Đề án 322), sau đó là Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911).
Theo những đề án trên, Việt Nam phấn đấu có khoảng 23.000 tiến sĩ phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trường ĐH. Tuy nhiên, đến năm 2017, Đề án 911 có thể sẽ ngừng tuyển sinh. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đang trình Chính phủ một đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ tương tự như đề án 911.
Một số trường tốp đầu, như ĐH Quốc gia Hà Nội, đã yêu cầu những ai muốn trở thành giảng viên chính thức thì tối thiểu phải có học vị tiến sĩ.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 130.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài. Phần lớn những người này được cử đi nước ngoài học tập theo chương trình học bổng của Chính phủ sẽ quay về nước để giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH. Đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường ĐH.
PV: Thưa ông, thực tế là nhiều người giỏi không muốn giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu với các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng này như thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn: Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã thực hiện việc trao quyền tự chủ cho các trường. Thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép 17 trường ĐH được tự chủ toàn diện. Theo đó, những trường này có quyền tự chủ về tài chính, nhân sự, không phải phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT nên có quyền chủ động tuyển dụng người có trình độ cao để giảng dạy.
Khi được tự chủ về tài chính, các trường ĐH có thể tự xây dựng môi trường học thuật, nghiên cứu để thu hút người có học hàm, học vị cao giảng dạy tại trường mình.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ đề án thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả người nước ngoài có trình độ cao, nhà khoa học có uy tín về nước giảng dạy ở các trường ĐH.
Theo đề án này, trong 1 năm, họ có thể về nước làm việc trong vòng 2 tháng. Trong thời gian này, nhà khoa học, người có học hàm, học vị cao sẽ là giảng viên chính thức ở một trường ĐH nào đó và họ được hưởng toàn bộ cơ chế, chính sách sự ưu tiên của ngành Giáo dục.
PV: Những trường ĐH được tự chủ có thể dễ dàng tuyển được giảng viên giỏi. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường ĐH công lập chưa được tự chủ hoặc chưa sẵn sàng tự chủ thì họ phải làm thế nào để có được người giỏi về giảng dạy ở trường mình, thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Đúng là trong số khoảng 250 trường ĐH công lập, không phải trường nào cũng tự chủ được ngay. Nhiều trường bị bó hẹp về mặt tài chính, chi tiêu đầu tư xây dựng cơ vật chất trường học, chi phí thường xuyên để trả lương cho giảng viên...
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ cho các trường ĐH. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường có thể tự chủ toàn diện hoặc tự chủ từng phần như tự chủ về tài chính, tự chủ trong nghiên cứu khoa học, nhân sự… Nghị định này cũng sẽ là cơ sở rất quan trọng, tạo điều kiện cho các trường chủ động hơn trong việc thu hút người có trình độ cao giảng dạy ở các trường ĐH.
PV: Xin cảm ơn ông!/.