BVÐK tỉnh: Được hỗ trợ thực hiện 3 ca can thiệp mạch máu não phức tạp
Ngày 27.11, TS. Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị Ðào tạo can thiệp nội mạch thần kinh và đột quỵ, Trường Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, đã hỗ trợ ê-kip can thiệp mạch máu não BVÐK tỉnh điều trị cho 3 ca bệnh phức tạp.
Bệnh nhân đầu tiên là ông Trần Văn Hiệp (48 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), chẩn đoán có túi phình động mạch trước, cổ rộng. Bệnh nhân thứ hai là bà Trần Thị Hiếu (69 tuổi, ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát), bệnh còn phức tạp hơn, có túi phình động mạch trước, cổ rộng, đa thân. Cuối cùng là bà Trần Thị Hương (70 tuổi, ở phường Ðập Ðá, TX An Nhơn), có túi phình động mạch cảnh trong trái, cổ rộng, đoạn động mạch mắt, túi hướng sang bên đối diện - một ca bệnh phức tạp hiếm gặp.
TS. Trần Chí Cường (trái) và bác sĩ Nguyễn Văn Trung thực hiện can thiệp.
Với sự hỗ trợ của TS. Trần Chí Cường, bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng khoa Thần kinh, BVÐK tỉnh, cùng ê-kip đã tiến hành can thiệp nội mạch bít túi phình cổ rộng cho 2 ca đầu tiên. Theo đó, các ống thông nhỏ được luồn từ động mạch đùi lên đến vị trí trong lòng túi phình mạch, vật liệu gây tắc là coils (các lò xo kim loại) được sử dụng để bít túi phình. Trong khi đó, với ca bệnh thứ ba, trước khi dùng coils bít kín túi phình, các bác sĩ còn đặt stent (khung đỡ bằng kim loại) qua cổ túi phình. Tất cả đều được thực hiện qua màn hình tăng sáng DSA.
Ba ca can thiệp đều được tiến hành thành công. Ðến sáng 28.11, cả 3 bệnh nhân đều phục hồi tốt.
Theo TS. Cường, đây đều là các ca bệnh khó, túi phình động mạch não thương tổn phức tạp, can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị tối ưu. “Qua theo dõi, tôi cho rằng bác sĩ Trung và ê-kip đã có tiến bộ lớn trong can thiệp nội mạch, số ca xử lý ngày càng nhiều, mức độ khó ngày càng tăng”- TS. Cường đánh giá.
Dù đã triển khai khá lâu và thu được nhiều thành công đáng ghi nhận nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Trung cho rằng, vẫn còn nhiều điều phải học từ các chuyên gia trên lĩnh vực can thiệp nội mạch, nhất là với các ca bệnh phức tạp. “Lần này, chúng tôi đã biết được cách phối hợp các kỹ thuật khó trên cùng một thương tổn. Hy vọng thời gian tới, chúng tôi sẽ tự thực hiện được các can thiệp khó này, mang lại lợi ích cho bệnh nhân trong tỉnh”- bác sĩ Trung chia sẻ.
MAI LÂM