Phù Mỹ: Tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp
Hơn 3 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế diễn ra tràn lan trên địa bàn huyện Phù Mỹ, nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của huyện Phù Mỹ, từ tháng 1.2013 - 9.2016, toàn huyện có 207,29 ha rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép; tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi và Mỹ Hiệp.
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vạn Định, xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ) bị chặt phá (ảnh chụp ngày 12.8.2016) .
Nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra như thời gian qua một phần do giá gỗ keo nguyên liệu giấy liên tục tăng khiến người dân đổ xô tìm cách “xí” đất trồng keo; mặt khác, cũng cần nhìn nhận rằng, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã buông lỏng quản lý, giám sát và thiếu kiên quyết, đồng bộ trong ngăn chặn, xử lý. Chẳng hạn, năm 2013, huyện chỉ xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ phá rừng trái pháp luật; năm 2015, Hạt Kiểm lâm phát hiện 1 vụ phá rừng trái pháp luật vượt quá thẩm quyền xử lý và đã chuyển cho Công an huyện Phù Mỹ điều tra theo quy định của pháp luật. Riêng trong năm 2016, các ngành chức năng của huyện 3 lần tổ chức ra quân nhổ bỏ 36,8 ha cây trồng trái phép (cây keo lai và bạch đàn) tại xã Mỹ Lộc; tháng 11.2016, UBND huyện Phù Mỹ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 25-40 triệu đồng đối với 4 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Hòa.
Mới đây, UBND huyện Phù Mỹ và các ngành chức năng của huyện đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập; đồng thời, đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp trái phép.
Trong đó, huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ, quản lý rừng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong thực hiện trách nhiệm trên lâm phận đã được Nhà nước giao quản lý. Chủ rừng phải huy động lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng, phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
Mặt khác, các cơ quan thẩm quyền phải kiên quyết thu hồi diện tích rừng giao khoán đối với trường hợp hộ gia đình không hoàn thành trách nhiệm, để rừng bị xâm hại.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn như Phòng NN&PTNT huyện, Phòng TN-MT huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng...
Những giải pháp mà huyện Phù Mỹ đưa ra khá cụ thể. Tuy nhiên, để các giải pháp này phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp; đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Có vậy, mới đủ sức răn đe các đối tượng có manh nha ý định vi phạm.
C.LUẬN - N.HỘI