Bài bản và nghiêm túc
Như một cách động viên, một cách để bạn đọc chia sẻ với những VĐV điền kinh vừa dự Giải vô địch điền kinh quốc gia năm 2016 (diễn ra từ ngày 22 - 26.11 tại TP Hà Nội), một đồng nghiệp của tôi viết: “Nếu biết VĐV các đơn vị khác được tập luyện trong điều kiện tốt thế nào thì chúng ta cũng dễ dàng thông cảm”. Tôi tin là bạn đọc, công chúng hâm mộ, quan tâm đến thể thao luôn thấu hiểu và thông cảm, ngay cả khi các VĐV Bình Định không giành được huy chương nào.
Nhưng nói đến thể thao, nói đến thành tích, mổ xẻ vì sao chỉ đạt đến thế này, phân tích phải làm thế nào để vượt qua ngưỡng kia... người ta chưa bao giờ đề cập đến yếu tố thông cảm. Bởi thi đấu thể thao là thế!
Diễn giải như vậy để thấy một điều, cái mà VĐV điền kinh Bình Định cần lúc này không phải sự thông cảm từ phía công chúng và cả phía nhà quản lý. Cái họ cần là điều kiện, chế độ, đãi ngộ tập luyện - nền tảng để họ nâng cao thành tích.
Tháng 7.2009, cũng trong khuôn khổ trao đổi nho nhỏ như thế, tôi có nhắc đến vấn đề này. Số là khi tập thể dục trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) tôi gặp nhiều VĐV của các bộ môn như điền kinh, võ thuật thuộc các đội tuyển của tỉnh tập luyện khá thường xuyên trên đường phố. Chia sẻ điều này với một người bạn có chuyên môn về y học, am hiểu thể thao, anh nhận xét: Thứ mà gần như VĐV nào cũng cần có là đôi giày. Môn nào cũng vậy, từ điền kinh, bóng chuyền đến cầu lông, quần vợt... giày thi đấu riêng, giày tập luyện là loại khác. Tôi quan sát rồi, hầu hết các VĐV của ta xài giày vải, loại đế mỏng. Điều kiện tập luyện như thế, cơ thể khó mà phát triển bình thường, chứ chưa nói đến thành tích.
Trong thể thao, sử dụng đúng loại giày rất quan trọng. Điều này đúng cả trong thi đấu lẫn tập luyện. Chưa thấy ở đâu mà VĐV dùng giày vải tập luyện phổ biến như ở mình. Hậu quả của chuyện dùng giày như thế phải rất lâu mới bộc lộ, mà đôi khi, chính VĐV cũng không ngờ rằng, bệnh tật của mình đến từ đôi giày tập luyện.
Câu chuyện hôm đó dắt sang chuyện bữa ăn của các VĐV quá nghèo nàn, chất lượng thấp. Sau nhiều lần bổ sung kinh phí, mức độ cải thiện đến nay vẫn rất khiêm tốn. Không hề nói quá khi bảo, có thể phác họa ra một phần tương lai của nền TDTT tỉnh từ chuyện đôi giày, hay hình ảnh những bữa ăn!
Điều đáng tiếc là sau từng ấy năm, các VĐV của ta vẫn tập luyện với cung cách như thế, những lời phàn nàn về chất lượng bữa ăn, chế độ bồi dưỡng vẫn vậy. Oái ăm hơn, do sự duy tu, bảo dưỡng không theo kịp đà xuống cấp, cơ sở vật chất dành cho luyện tập dần đi vào thế ọp ẹp.
Năm nay, Giải vô địch điền kinh quốc gia năm 2016 chứng kiến sự vượt lên ngoạn mục của đoàn VĐV tỉnh Thanh Hóa (9 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ). Hầu hết các nhà báo khi viết về điều này đều nói đến nỗ lực của Ban huấn luyện cùng các VĐV. Nhưng họ cũng không quên yếu tố “đầu tư bài bản, nghiêm túc” của đơn vị này. Lại nảy ra câu hỏi: Chừng nào thì đến phiên Bình Định “bài bản và nghiêm túc”?
B.P