Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh như vậy tại Lễ mít tinh truyền thông phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016 do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 30.11, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng hết sức trầm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. “Đáng báo động tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới”, ông Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng, đang ở mức báo động. Năm 2011, toàn cầu có khoảng 64.000 trường hợp lao đa kháng thuốc (MDR - TB). Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Hằng năm có hàng triệu người chết cho kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc, theo báo cáo năm 2013 của World Crisis, trung bình mỗi nước mất từ 0,4-1,6% GDP quốc gia cho phòng, chống kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Trong phòng và điều trị lao, theo đánh giá của WHO, ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).
Thực trạng kháng thuốc kháng sinh là do nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc còn hạn chế, sử dụng kháng sinh ngay cả khi không có chỉ định; do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sĩ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Không ít dược sĩ bán thuốc không đúng quy định; do các bác sĩ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc lạm dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới; do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích kích thích tăng trưởng đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.
Theo VƯƠNG THÚY (QĐND)