Mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS và thách thức của Bình Ðịnh
Thời gian qua, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh bắt đầu được kiểm soát với số ca mắc mới có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền
Ðó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh phát hiện mới 187 người nhiễm HIV (năm 2011: 37, năm 2012: 54, năm 2013: 40, năm 2014: 34, năm 2015: 22) và trong 9 tháng đầu năm 2016 phát hiện 17 trường hợp. Từ các trường hợp phát hiện đầu tiên vào tháng 9.1993, đến hết tháng 9.2016 số người nhiễm HIV có địa chỉ trên địa bàn tỉnh đã tích lũy 700 trường hợp; trong đó chuyển sang giai đoạn AIDS 627 người, 405 người đã tử vong do AIDS.
* Như vậy, có thể thấy tình hình HIV/AIDS có phần “hạ nhiệt”. Vậy đâu là những yếu tố nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát, thưa ông?
- Có rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Bình Ðịnh. Hiện nay, không còn Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS riêng, kinh phí bị cắt giảm nhiều, nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế không còn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động liên quan. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa chú trọng đúng mức trong đầu tư nhân lực và kinh phí.
Ðáng chú ý, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm đến 55%, đường máu chiếm khoảng 40%. Sự tự kỳ thị, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ trong cộng đồng còn phổ biến, làm cản trở công tác giám sát, xét nghiệm, quản lý, chăm sóc bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cũng còn nhiều khó khăn, độ bao phủ dịch vụ còn hạn chế, chất lượng các dịch vụ chưa cao. Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với điều trị ở giai đoạn muộn; tỉ lệ bà mẹ mang thai xét nghiệm HIV còn thấp; chương trình can thiệp giảm tác hại vẫn còn ở mức khiêm tốn.
* Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1.12) và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10.11 - 10.12) năm 2016 là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Ông có thể giải thích rõ ý nghĩa của chủ đề này?
- Ðây là năm thứ hai liên tiếp “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” được chọn là chủ đề của Tháng hành động quốc gia Phòng chống HIV/AIDS.
Tuyên truyền được xác định là mũi nhọn trong đối phó với HIV/AIDS.
- Trong ảnh: Một đêm sinh hoạt của CLB Thanh niên phòng chống HIV/AIDS thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát.
Mục tiêu cụ thể đầu tiên là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Nếu một người nhiễm HIV mà không biết thì có thể vô tình lây nhiễm cho người thân và người khác trong cộng đồng; hơn nữa, chúng ta không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ cần thiết. Không biết được số người nhiễm thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn cho việc lập kế hoạch đối phó.
Thứ hai, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV (thuốc kháng vi-rút HIV). Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị bằng thuốc ARV sớm và đúng sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Cuối cùng, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những ca nhiễm với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm cho người khác; người “có H” có cuộc sống khỏe mạnh. Từ đó, có thể đạt được mục tiêu lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
* Để tiếp tục kìm hãm tốc độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng, thực hiện tốt mục tiêu 90-90-90, tỉnh ta - mà trước hết là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh - sẽ làm những gì, thưa ông?
- Hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS sẽ được chú trọng với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, tập trung vào các nhóm đối tượng dễ có hành vi nguy cơ. Ðồng thời, đẩy mạnh chương trình cung cấp miễn phí bao cao su, tạo tính sẵn có bao cao su ở mọi lúc, mọi nơi để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn.
Bên cạnh đó, sẽ mở rộng hoạt động cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tăng cường xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV và điều trị ARV kịp thời; thực hiện khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS có BHYT; chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ…
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)