Mưa lớn diện rộng, lũ lại về chia cắt nhiều khu dân cư
Do ảnh hưởng của rìa phía nam áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, ba ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa to, mực nước các sông lên rất nhanh.
* Hoài Ân: Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính 7,5 tỷ đồng
Từ đêm ngày 29.11 đến nay trên địa bàn Hoài Ân có mưa to đến rất to, mực nước các sông dâng cao- đặc biệt nước từ thượng nguồn sông An Lão đổ về đã làm cho 5 xã cánh bắc huyện Hoài Ân bị ngập sâu, giao thông ở các địa phương này bị chia cắt hoàn toàn. Sáng 1.12 lãnh đạo huyện Hoài Ân đã xuống các địa bàn trọng yếu để chỉ đạo công tác phòng chống.
Đường vào Thôn Vĩnh Đức (Ân Tín) bị ngập sâu. Ảnh: Văn Hùng
Xã Ân Tín có 3 thôn Thanh Lương, Vĩnh Đức và Đại Định bị ngập nước nặng nhất với trên 500 ngôi nhà ngập sâu từ 1m đến trên 1,5m. Trong 2 ngày qua với phương châm 4 tại chỗ địa phương huy động các lực lượng xung kích và phương tiện cùng hỗ trợ nhân dân di dời người và tài sản lên nới an toàn.
Ông Nguyễn Trọng Mật- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Ân Tín cho biết: thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự huyện và lãnh đạo xã Ân Tín, từ ngày 20 đến nay các lực lương công an, quân sự của xã đã đến các điểm ngập sâu để vận động, hỗ trợ nhân dân di đời, chốt chặn đầu cầu Mỹ Thành, các tuyến đường đi thôn Thanh Lương, Vĩnh Đức bị ngập sâu, không cho người qua lại.
Lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo các địa phương triển khai theo phương án đã xây dựng, theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng dân quân xung kích chốt chặn ở các điểm đầu cầu, các đoạn đường ngập trũng không cho người dân đi qua lại.
Nhiều nhà dân thôn Thanh Lương (Ân Tín) ngập sâu từ-1,5m. Ảnh: Văn Hùng
Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện đã điều động 3 xuồng máy cùng các phương tiện khác để kịp thời hỗ trợ sơ tán tài sản và người dân đến nơi an toàn, cấp mì tôm và nước uống cho các hộ dân bị cô lập.
Ông Hoàng Phi Long – Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện nay trời vẫn tiếp tục mưa, khả năng trong đêm ngày 1 nước vẫn tiếp tục dâng cao do đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai theo phương án đã xây dựng, theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng dân quân xung kích chốt chặn ở các điểm đầu cầu, các đoạn đường ngập trũng không cho người dân đi qua lại.
Chỉ đạo lực lượng công an, quân đội huyện tập trung lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ sơ tán tài sản và người dân đến nơi an toàn. Sử dụng Ca nô của huyện đội và Công an cấp mì tôm và nước uống cho các hộ dân bị cô lập; chuẩn bị vật tư đầy đủ và cử lực lượng xung kích trực tại các hồ chứa nước xung yếu như Thạch Long (Ân hảo Đông), Mỹ Đức(xã Ân Mỹ)…
Hiện nay nước trên các sông đang cầm chừng, tuy nhiên trời vẫn đang tiếp tục mưa, do đó có khả năng nước vẫn tiếp tục lớn trong đêm nay. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoài Ân đã có công điện khẩn cho các ngành, các địa phương, đặc biệc là 5 xã cánh bắc tập trung cao độ cho công tác phòng chống lụt lụt, chủ động các phương tiện cứu hộ, lực lượng xung kích và kiên quyết di dời toàn bộ những người dân vùng nguy cơ đến nơi an toàn.
Cấp phát lương thực cho các gia đình bị ngập lũ. Ảnh: Văn Hùng
Theo tổng hợp sơ bộ đến 14 giờ ngày 1.12, Hoài Ân có 2.352 nhà bị ngập nước sâu từ 0,5 đến trên 1,5m (tập trung ở các xã Ân Hảo Tây: 795 nhà, Ân Hảo Đông: 728 nhà, Ân Tín: 550 nhà, Ân Mỹ: 279 nhà). Các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng chưa được thống kê đầy đủ.
Riêng tuyến đường ĐT 629 đi xã Ân Sơn bị mưa lũ gây sạt lở, bồi lấp nhiều đoạn; khối lượng sạt lở, bồi lấp trên 350 m3; tuyến đường Suối Le đi Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây bị mưa lũ gây sạt lở và bồi lấp; khối lượng sạt lở, bồi lấp trên 175 m3; Cống tiêu thoát lũ bị sạt lở, bồi lấp: 11 cống.
Xi măng ở đại lý và của các công trình bị ngập nước hư hỏng trên 15 tấn, Lúa trong dân bị ngập ước: 2,5 tấn.
Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính: 7,5 tỷ đồng.
* Phù Mỹ: Nhiều nơi bị cô lập, đi lại rất khó khăn…
Do mưa kéo dài, với lưu lượng khá lớn, cộng nước từ thượng nguồn đổ về nên nhiều nơi trên địa bàn Phù Mỹ bị cô lập.
Từ trạm bơm Mỹ Trang (xã Mỹ Châu) đi gần 1km qua xóm Cù Lao bị nhấn chìm trong nước lũ, mọi sự liên lạc chỉ trông chờ vào ghe thuyền nên rất khó khăn.
Các thôn Công Trung, Trung Xuân, An Hoang (xã Mỹ Chánh) bị cô lập với Trung tâm xã, và các bờ tràn trên tuyến 639 qua các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 (xã Mỹ Chánh) cũng không đi lại do nước ngập sâu.
Hàng trăm tuyến đường cục bộ trong nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện cũng bị ngập trong nước lũ. Ngay cả Thị trấn Phù Mỹ, nhiều đoạn đường cũng bị ngập, như tuyến đường Chu Văn An, đường Lê Lợi… khiến việc việc giao thông đi lại gặp không ít khó khăn.
Mực nước lũ ngày càng dâng cao, đã làm 1.535ha lúa Đông xuân vừa sạ không lâu bị ngập chìm, hư hỏng giống hoàn toàn, mặt khác ốc bưu vàng đã và đang xuất hiện nhiều cắn lá phá thiệt hại cho cả lúa non.
Ngoài ra, có hàng ngàn ha hoa màu lớp bị ngập, lớp bị xơ xác, hư hại nhiều… Chưa kể, sông Lạch Mới (xã Mỹ Thành) bị lở nặng, gây ngập hàng trăm ngôi nhà các thôn Xuân Bình Bắc, Xuân Bình Nam và thôn Hưng Lạc.
Theo số liệu mới nhất của Ban chỉ huy PCBL huyện, đến 15h chiều ngày 1.12, ước tổng thiệt hại về kinh tế lên hơn 5 tỷ 705 triệu đồng.
* Nước lũ lên nhanh làm chết 3.000 con gà ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn)
Ông Lê Hữu Đức, Bí thư Chi bộ khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), cho biết: Nước lũ về đột ngột trong sáng ngày 1.12 đã làm sạt lở nhiều đoạn đê sông Trường Thi. Đáng chú ý là nước lũ về đột ngột đã làm chết 3.000 con gà thịt nuôi 10 ngày tuổi của ông Từ Văn Sang ở khu vực Kim Châu, ước thiệt hại gần 40 triệu đồng.
Hiện, nước lũ đang tiếp tục lên, chính quyền địa phương đang tích cực vận động các hộ gia đình sinh sống ven sông Trường Thi nhanh chóng di dời tài sản, vật nuôi đến các địa điểm an toàn, tránh bị thiệt hại.
* TX An Nhơn: Nhiều nơi ngập sâu, giao thông đi lại khó khăn
Mưa lớn kết hợp nước từ các nhánh sông đổ về khiến nhiều tuyến đường liên xã và một số khu dân cư trên địa bàn TX An Nhơn bị ngập sâu trong nước.
Tuyến đường liên xã từ thôn Tân Dương, xã Nhơn An (TX An Nhơn) đi xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) bị nước lũ chia cắt. Để đến trường, học sinh “bấm bụng” vượt lũ. Ảnh: TRỌNG LỢI.
Theo ghi nhận của PV, tuyến đường liên xã từ thôn Tân Dương, xã Nhơn An (TX An Nhơn) về xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) hiện có nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, khiến giao thông đi lại khó khăn. Cá biệt, đoạn đường bê tông liên xã từ thôn Tân Dương đi thôn Tân Định, xã Nhơn An đã bị chìm sâu trong nước khoảng 0,5m. Trong khi đó, mực nước sông Tân Dân - Tân Dương đang lên nhanh, đến đầu giờ chiều 1.12, nước đã bắt đầu tràn vào nhà dân.
Mực nước nhánh sông Tân Dân - Tân Dương qua xã Nhơn An (TX An Nhơn) đang lên nhanh, cuốn trôi nhiều cây cối. Ảnh: TRỌNG LỢI.
Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập úng nhiều vườn mai của bà con nằm dọc 2 bên bờ sông. Hiện nay, các nhà vườn đang nỗ lực di chuyển mai lên cao, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do mưa lũ gây ra.
Nhiều nhà dân ở thôn Tân Dương, xã Nhơn An (TX An Nhơn), giáp ranh với thôn An Cửu, xã Phước Hưng (Tuy Phước) ngấp ngé miệng “bà bá”. Ảnh: T.L
* Làng mai chạy lũ
(BĐ) - Bất kể trời mưa nặng hạt, nước lũ dâng cao, chủ các vườn mai kiểng đặt dưới ruộng ở các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Thành (TX An Nhơn) tất bật đưa mai lên khu vực cao hơn để tránh lũ. Tại nhiều vườn mai, bà con lội nước cao đến ngang ngực, dùng xe rùa hoặc sức người để đưa mai vào bờ.
Chủ các vườn mai đặt dưới ruộng huy động người nhà đưa mai lên bờ cao. Ảnh: H.T
Sáng 1.12, anh Bùi Văn Hoàng (41 tuổi, ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, TX An Nhơn) cùng với anh em, họ hàng dịch chuyển 200 cây mai từ ruộng sâu lên bờ. Anh cho biết, đây số mai đã được đặt mua. Vì lo sợ mai ngâm nước lâu ngày, lá mai bị “áo” bùn sẽ rụng, khiến mai nở sớm, nên người mua và chủ vườn đều quyết định cần nhanh chóng chuyển mai lên cao để tránh thiệt hại.
Đến 12 giờ trưa, nước phủ trắng, các chủ vườn vẫn nỗ lực cứu mai. Ảnh: H.T
Đến 12 giờ trưa, dù nước đã lên cao, phủ trắng nhiều vườn mai, các chủ vườn vẫn nỗ lực đưa mai lên bờ.
Bằng sức người, xe rùa, bà con đội mưa để đưa mai tránh lũ. Ảnh: H.T
* Lũ về ồ ạt, nhiều khu dân cư tại Quy Nhơn ngập sâu
Trưa 1.12, lũ trên sông Hà Thanh ồ ạt đổ về đã gây ngập lụt phường Nhơn Bình, phường Nhơn Phú, phường Bùi Thị Xuân, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Các tuyến đường bê tông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5m đến hơn 1 m. Nhiều khu dân cư nằm ở vùng trũng nước lũ đã tràn vào nhà. Hiện nước lũ vẫn đổ về, nước lũ tiếp tục dâng cao, nguy cơ nhiều hộ dân ở 4 phường này sẽ bị ngập chìm trong lũ. Nhiều hộ dân bị nước lũ uy hiếp đã dọn đồ đạc chuyển đến nơi cao ráo.
Nước lũ đã tràn qua đường Hùng Vương, đoạn ngã 3 Ông Thọ, gây cho việc đi lại khó khăn. Ảnh: N.PHÚC
Nhiều tuyến đường bê tông vào khu dân cư ở phường Nhơn Bình bị nước lũ cô lập. Ảnh: N.PHÚC
* Hơn 3.500 hộ dân tại Hoài Nhơn bị chia cắt do lũ
Hôm nay (1.12), trên địa bàn huyện Hoài Nhơn tiếp tục có mưa to đến rất to, nước tại sông Lại Giang dâng cao. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoài Nhơn, đến 10h sáng 1.12, trên địa bàn huyện đã có 1 người bị mất tích, 1 người bị thương do bị sóng to đánh chìm tàu vào sáng ngày 30.11, hơn 2.300 ha lúa mới gieo sạ bị ngập hoàn toàn tập trung ở các xã Hoài Châu Bắc, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Phú, Hoài Châu; 1.150 m bờ suối bị lở, 480 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 3.500 hộ dân bị cô lập ở các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc, Hoài Sơn, nhiều tuyến đường bị ngập nước ... Hiện nay, nước sông Lại Giang, nước trên các dòng suối đang dâng ngập nhiều diện tích nên chưa thống kê hết thiệt hại.
Nước lũ về, nhiều nhánh sông nước lên nhanh. Ảnh Trọng Lợi
Tại xã Hoài Sơn mưa lớn, đã gây ngập nước hết diện tích lúa vụ Đông Xuân vừa gieo sạ, Do lượng mưa lớn, kết hợp với hồ Cẩn Hậu xả lũ với lưu lượng khoảng 30m3/s đã gây sạt lở nghiêm trọng một số đoạn suối ở khu vực hạ lưu hồ Cẩn Hậu, làm sa bồi thủy phá nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân, hơn 240 hộ dân bị ngập nước, 1.500 hộ dân chia cắt, do nước lên nhanh nên hầu hết nông sản của bà con như: Lúa, phân bón, gia súc, gia cầm bị ngập và trôi.
Nước lũ tràn qua đường tại Hoài Nhơn. Ảnh Duy Khánh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo huyện Hoài Nhơn đã có mặt tại các vùng bị ngập nặng kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng tránh lũ và khắc phục hậu quả thiên tai tại các xã, huy động khẩn cấp lực lượng công an, quân đội và hàng trăm dân quân tại các xã hỗ trợ dân di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Huyện cũng đã hỗ trợ xã Hoài Sơn 4000 bao cát khắc phục khẩn cấp lở bờ suối.
Chuẩn bị bao cát gia cố đê. Ảnh Duy Khánh
* An Lão: 1 người bị đuối nước
(BĐ) - Sáng 1.12, ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa (An Lão), xác nhận: Vào khoảng 16 giờ ngày 30.11, người dân phát hiện một thi thể nam tại tràn hồ Hưng Long, xã An Hòa. Nạn nhân được xác định là anh Phan Hồng Kiệt, SN 1984, trú thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa.
* Tuy Phước: Khoảng 18.000 học sinh nghỉ học
(BĐ) - Mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến một số xã Khu Đông như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn và một số xã phía Tây của huyện Tuy Phước như Phước Lộc, Phước An nhiều nơi bị ngập úng cục bộ.
Tại xã Phước Lộc, nước lũ về đã gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Đơn cử tại thôn Phú Mỹ 2, hiện có khoảng 1.000 hộ dân bị chia cắt việc đi lại do nước chảy xiết qua cầu Bi.
Nước lũ phong tỏa các trường học. Ảnh Xuân Thức
Theo ông Khưu Đại Lợi, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, sáng 1.12, toàn huyện hiện có 29/58 trường học thuộc khối tiểu học và trung học cơ sở, với khoảng 18.000 học sinh phải nghỉ học. “Hiện nay, nước lũ đang tiếp tục dâng cao. Để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học trên địa bàn huyện, Phòng đang tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để sớm có phương án chỉ đạo kịp thời”, ông Lợi cho biết thêm.
* 4 trường THPT cho học sinh nghỉ học tránh lũ
(BĐ) - Trước thực trạng mưa lớn kéo dài những ngày qua, nhiều địa phương bị ngập nặng, chia cắt, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động cho học sinh nghỉ học vào sáng 1.12. Tin từ Sở GD&ĐT, đã có 4 trường THPT cho học sinh nghỉ học để tránh mưa lũ. Đó là các trường THPT: số 2 Tuy Phước, số 3 Tuy Phước, số 2 Phù Cát và Ngô Lê Tân.
Tỉnh lộ 640 Phước Hòa – Phước Thắng đi cát Chánh ngập trong nước lũ. Ảnh Xuân Thức
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong mùa bão lũ, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn đã chỉ đạo trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc khẩn trương rà soát tình hình thực tế và đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn tính mạng cán bộ, giáo viên, học sinh cũng như cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy. Các đơn vị phải chủ động ứng phó khi lũ lụt xảy ra và tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.
Tỉnh lộ 640 nước qua tràn gần 0,6 mét. Ảnh Xuân Thức
Tây Sơn: Một học sinh bị nước lũ cuốn trôi, mất tích
(BĐ) - Trưa 1.12, bà Nguyễn Thị Thống, Chánh văn phòng huyện Tây Sơn, cho biết trên địa bàn huyện có một người bị mất tích khi lũ về. Nạn nhân là em Trần Thị Lệ Thủy (15 tuổi, ở thị trấn Phú Phong), học sinh lớp 9A6, Trường THCS Võ Xán.
Trước đó, lúc 16 giờ 30 ngày 30.11, em Thủy đi qua cầu Phú Phong (cũ) bị trượt chân xuống nước. Do nước lũ về sông Kôn đang chảy xiết nên em Thủy bị cuốn trôi. Ngay trong đêm, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tìm kiếm em Thủy nhưng chưa có kết quả.
VĂN HÙNG - XUÂN LỘC - NGUYỄN HÂN - TRỌNG LỢI - HÀ THANH - NGUYỄN PHÚC - THÁI NGÂN - QUANG HẢI - DUY KHÁNH - NGỌC TÚ