Mưa lũ gây thiệt hại nặng
Ngày 1.12, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, nhất là khu vực đầu nguồn. Lũ trên các sông xuất hiện ở mức từ báo động 1 đến dưới báo động 3. Nước lũ dâng cao gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Tuyến đường từ hồ Định Bình lên Vĩnh Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) bị mưa lũ làm vỡ đứt, cắt đứt giao thông.
Lũ về, hàng ngàn hộ dân lại bị cô lập
Có mặt tại tuyến đường cũ từ hồ Định Bình lên xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) chúng tôi nhận thấy, nhiều điểm đã bị nước lũ làm sạt lở sâu vào thân đường. Riêng tại khu vực thôn T7, xã Vĩnh Kim nước lũ đã làm vỡ đứt một đoạn đường khoảng 10 m, chia cắt giao thông. Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết thêm: Mưa lũ còn làm ngập 306,5 ha lúa Đông Xuân 2016 - 2017 tại các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Thạnh; 462 m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng...
Tại An Lão, theo tổng hợp của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, mưa lũ đã làm 300 hộ dân tại vùng trũng thấp, ven sông suối bị ngập từ 1-1,5 m, 3 nhà bị sập hoàn toàn. Các tuyến đường ĐT 629, đường liên xã, liên thôn của các xã An Nghĩa, An Toàn, An Dũng, An Vinh, có hàng trăm khối đất đá từ trên núi đổ xuống, gây ách tắc giao thông. Cầu Nước Rấp (xã An Vinh) bị sạt lở mô cầu và mái ta luy một đoạn dài 30 m; hơn 300 m kênh mương bị bồi lấp, sạt lở; hơn 98 ha bắp và đậu phụng mới xuống giống bị nước cuốn trôi, hơn 15.000 m2 ruộng bị sa bồi, thủy phá. Tổng thiệt hại tại An Lão ước tính hơn 4,7 tỉ đồng.
Nhiều xã khu Đông huyện Hoài Nhơn bị nước lũ cô lập. Ảnh: T.SỸ
Mưa to đến rất to trên địa bàn huyện Hoài Ân đã làm 5 xã cánh Bắc bị ngập sâu, giao thông ở các địa phương này bị chia cắt hoàn toàn. Theo tổng hợp đến 14 giờ ngày 1.12, toàn huyện có 2.352 nhà bị ngập; các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng chưa được thống kê đầy đủ. Tuyến đường ĐT 629 đi xã Ân Sơn bị sạt lở, bồi lấp nhiều đoạn; tuyến đường Suối Le đi Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây, bị mưa lũ gây sạt lở và bồi lấp trên 175 m3; 11 cống tiêu thoát lũ bị sạt lở, bồi lấp; 2,5 tấn lúa bị ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại tại Hoài Ân ước tính 7,5 tỉ đồng.
Tại Hoài Nhơn, nhiều khu vực ở các xã khu Đông của huyện đã ngập trong nước lũ. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Có 15 thôn ở các xã Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Sơn bị ngập lụt, chia cắt, cô lập 4.576 hộ dân. Mưa lũ đã làm ngập 2.303 ha lúa mới gieo sạ và 720 ngôi nhà dân; làm sạt lở và vỡ 1.250 m bờ suối tại các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Phú.
Một trường học ở xã Phước Thắng (Tuy Phước) bị ngập trong lũ. Ảnh: XUÂN THỨC
Đến chiều 1.12, nhiều địa phương ở Phù Mỹ đã bị cô lập. Các bờ tràn trên tuyến 639 qua các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 (xã Mỹ Chánh) không đi lại được do bị ngập sâu. Nước dâng cao đã làm 1.535 ha lúa Đông Xuân vừa sạ cách nay không lâu bị ngập, hư hỏng giống hoàn toàn. Sông Lạch Mới (xã Mỹ Thành) bị sạt lở nặng, gây ngập hàng trăm ngôi nhà ở các thôn Xuân Bình Bắc, Xuân Bình Nam và Hưng Lạc.
Tại Phù Cát, có 450 nhà dân bị ngập nước; đường giao thông sạt lở 4.015m; kênh mương sạt lở, vỡ 2.510 m; hệ thống kè, đê sông, suối sạt, lở 701m; cát sa bồi lấp 3,2 ha; kênh tiêu từ thôn Chánh Đạt, Cát Tiến đến thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, dài khoảng 8 km bị bồi lấp; 3.446 ha lúa sạ và 505 ha ớt đã bị ngập úng.
Khẩn cấp khắc phục bờ suối sạt lở do lũ lớn tràn về xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn). Ảnh trích từ video clip
Tại TX An Nhơn, nhiều tuyến đường liên xã và một số khu dân cư trên địa bàn bị ngập sâu trong nước. Tuyến đường liên xã từ thôn Tân Dương, xã Nhơn An về xã Nhơn Phong nhiều đoạn bị ngập. Trong khi đó, mực nước sông Tân Dân - Tân Dương đang lên, đến chiều 1.12 bắt đầu tràn vào nhà dân.
Còn tại TP Quy Nhơn, từ trưa 1.12, lũ trên sông Hà Thanh đổ về gây ngập lụt các khu dân cư ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Các tuyến đường bê tông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1 m. Nhiều khu dân cư nằm ở vùng trũng, nước đã vào nhà. Nước tiếp tục dâng cao, nguy cơ nhiều hộ dân ở 4 phường này sẽ bị ngập chìm trong lũ. Nhiều hộ dân bị nước lũ uy hiếp đã dọn đồ đạc chuyển đến nơi cao ráo.
Nhiều tuyến đường bê tông vào khu dân cư ở phường Nhơn Bình bị nước lũ cô lập. Ảnh: N.PHÚC
Huy động lực lượng ứng phó
Trước tình hình mưa lũ lớn, ngày 1.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra công tác ứng phó tình hình mưa lũ tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn và Hoài Ân.
Tại công trình hồ chứa nước Định Bình, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Lưu lượng nước đến hồ Định Bình quá lớn, trong khi mực nước lũ trên các sông đang xuống. Dự báo vài ngày tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, lượng nước đến hồ Định Bình rất nhiều. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh cho phép tăng lượng nước điều tiết qua cửa tràn hồ Định Bình từ 750 m3/giây lên 1.000 m3/giây (điều tiết nước từ 9 giờ đến chiều 1.12); sau đó tiếp tục theo dõi lưu lượng nước đến để điều chỉnh lượng nước đi. Việc điều tiết nước theo đúng quy trình vận hành liên hồ, có thông báo cho chính quyền và nhân dân biết trước để chủ động đề phòng.
Lực lượng chức năng huyện Hoài Ân đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: TỐNG BÌNH
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến hành điều tiết hồ Định Bình xuống sông Côn khoảng 900 m3/giây qua cửa tràn nhưng 3 giờ điều tiết 1 lần; đồng thời cử lực lượng túc trực tại hồ 24/24 giờ để theo dõi lượng mưa, lưu lượng nước đến, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh. Bên cạnh đó, kiểm tra theo dõi các hồ chứa nước thủy điện thượng nguồn hồ Định Bình. Sở NN&PTNT tổ chức các đoàn kiểm tra diện tích lúa mới gieo sạ đã bị hư hỏng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Đối với tuyến đường cũ từ hồ Định Bình lên xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh bị hư hỏng, trước mắt huyện Vĩnh Thạnh huy động lực lượng gia cố tạm để người dân đi lại; sau đó chủ trì cuộc họp yêu cầu các doanh nghiệp có công trình thủy điện bỏ kinh phí để đầu tư nâng cấp tuyến đường nói trên như đã cam kết. Các địa phương nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ; đồng thời, triển khai cấp bách và đồng bộ các biện pháp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
TIẾN SỸ - H.N.QUỐC - V.HÙNG - X.LỘC - H.TRUNG - X.THỨC - N.PHÚC -T.LỢI
Người trồng mai khẩn trương cứu mai Tết
Chiều 1.12, nước lũ về nhanh. Sợ mai chết do ngập lũ, người trồng mai ở các xã Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Thành (TX An Nhơn) đã dùng xe rùa, xe ba gác… ngụp lặn trong dòng lũ để chở mai chạy lũ. Ông Hồ Văn Ảnh (trú thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) cho biết, để cứu mai, gia đình ông huy động 6 xe lôi cùng hàng chục nhân công chuyển mai lên nơi cao ráo nhưng vẫn không kịp.
Theo ông Nguyễn Tấn Ðức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, xã có 5/6 thôn trồng mai. Do mưa lớn nên nhiều thôn đã chủ động chuyển mai lên vùng cao tránh lũ. Một số thôn như Háo Ðức, Thanh Liêm nằm ở vùng thấp nên khi nước lũ về đột ngột làm ngập hàng ngàn chậu mai.
N.HÂN-N.MUỘI