Vào vùng rốn lũ bị cô lập
Sáng 2.12, phóng viên Báo Bình Định theo canô của Ban CHQS huyện Phù Cát đã tiếp cận được vùng rốn lũ bị cô lập, đó là xã Cát Chánh. Toàn xã có 5 thôn thì 4 thôn bị nước lũ nhấn chìm và bị cô lập hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã đến các khu vực ngập sâu để nắm tình hình và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Vùng rốn lũ Cát Chánh
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết: “Cát Chánh là vùng rốn lũ, nên mỗi khi lũ xuất hiện là cả xã chìm trong biển nước, tất cả các tuyến giao thông vào các thôn đều bị cô lập hoàn toàn. Đợt lũ này, toàn xã có 5 thôn nhưng 4 thôn: Chánh Định, Chánh Hội, Chánh Hữu, Vân Triêm bị ngập sâu trong lũ, riêng thôn Phú Hậu thì nước lũ ngập khoảng 50% khu dân cư. Xã có tổng số 1.000/1.800 hộ dân có nhà bị ngập trong lũ, làm thiệt hại nhiều tài sản. Trước tình hình này, lãnh đạo xã dùng xuồng máy trực tiếp đến các thôn để nắm tình hình và có phương án hỗ trợ người dân nào bị thiếu lương thực, nước uống. Sau khi đi kiểm tra thì có 1 nhà bị sập hoàn toàn, 4 nhà còn lại bị hư hỏng 50% đến 70% do lũ”.
Các xã Khu đông huyện Phù Cát như Cát Tiến, Cát Chánh vẫn chìm trong nước lũ. Ảnh: VĂN LƯU.
Lội vào ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hà (50 tuổi, ở thôn Chánh Hữu), dù nước đã bắt đầu rút nhưng vẫn còn trên mắt cá chân, chỉ vào dấu vết trên vách tường nhà thời điểm nước lũ lớn nhất, lúc đó nước trong nhà lên đến đầu gối nên nhiều vật dụng đều bị ướt do không kịp dọn đến nơi cao hơn. Với vẻ mặt mệt mỏi, ông Hà kể: Đợt lũ này lớn hơn đợt lũ đầu tháng 11, mực nước tui đo được hơn 4 gang tay. Chiều 1.12 nước lũ lên rất chậm nhưng bất ngờ lúc 10 giờ đêm 1.12 đến 1 giờ sáng ngày 2.12 nước lớn rất nhanh và ngâm đến 4 giờ sáng mới bắt đầu rút. Người dân ở đây phải thức trắng đêm để lo chống chọi với lũ”.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, người dân ở Chánh Hữu nói riêng và người dân ở xã Cát Chánh nói chung biết nơi đây là rốn lũ nên mỗi khi mùa mưa lũ đến thì nhà nào cũng mua dự trữ lương thực, nước uống để phòng ngừa nếu bị lũ cô lập dài ngày vẫn đảm bảo được cuộc sống.
Đến trưa 2.12, nhiều ngôi nhà xã Cát Chánh vẫn bị ngập trong lũ. Ảnh: VĂN LƯU.
Đến thăm gia đình ông Đoàn Văn Minh (68 tuổi, ở thôn Chánh Hữu), có nhà bị sập hoàn toàn do lũ. Ông Minh cho biết, do những ngày qua mưa lớn đã làm thấm vách tường đến khi nước lũ tràn vào nhà nên ngôi nhà cũ không chống chọi nổi. Lúc nhà sập, cả nhà đã chạy ra ngoài nên chỉ thiệt hại về tài sản.
Lực lượng quân đội tham gia dọn dẹp ngôi nhà ông Nguyễn Ngọ (ở thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh) bị sập trong đêm 2.12. Ảnh: VĂN LƯU.
Gần đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọ (80 tuổi, thôn Chánh Hữu) bị nước lũ cộng với mưa lớn làm sập mất một phần của gian nhà trên, ngôi nhà trở nên trống hoác. Nhận phần quà động viên từ lãnh đạo huyện Phù Cát, ông vừa kể lại chuyện vừa khóc: “Lúc đó khoảng 1 giờ sáng, tôi đang loay hoay dọn một số đồ đạc bởi nước lũ đã tràn vào nhà, tôi nghe có tiếng ngói rơi xuống nước nên chạy vội lên phía bàn thờ ôm lấy di ảnh của vợ, rồi vội vàng lội ra trước sân nước ngập đến rốn thì vách tường của gian nhà trên và mái ngói đổ sập xuống. Ngay sau khi nhà bị sập, chính quyền địa phương đến động viên và các cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân xã đã đến dọn dẹp ban đầu nên tôi cũng thấy ấm lòng”.
Giúp dân khắc phục hậu quả
Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tại thôn bị ngập sâu hầu như nhà nào cũng chuẩn bị lương thực, nước uống đầy đủ, không có hộ nào thiếu thốn phải nhờ đến sự cứu trợ. “Đối với những ngôi nhà bị sập do lũ, huyện sẽ có chính sách để hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo cho chính quyền địa phương ngay sau khi nước lũ lút thì đưa lực lượng xuống giúp đỡ người dân dọn dẹp lại nhà cửa bị sập” - ông Hương cho biết.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thăm, tặng quà cho một hộ dân ở thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh. Ảnh: VĂN LƯU.
Trung tá Tạ Quang Thạch, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Phù Cát, cho biết: Lực lượng của đơn vị được chia làm hai mũi, một mũi ứng trực phía nam và một mũi ứng trực phía bắc để sẵn sàng hỗ trợ người dân các xã Cát Tiến, Cát Chánh.
Đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh thăm, tặng quà cho một hộ dân ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Ảnh: THÀNH PHÚC.
Cũng trong chiều 2.12, đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra một xã bị ngập sâu ở khu đông huyện Tuy Phước và tặng quà cho người dân. Theo đại tá Trần Thanh Sơn, từ ngày 30.11 đến ngày 2.12, Bộ CHQS tỉnh đã huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ để tiến hành di dời những hộ dân bị ngập sâu, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những khu dân cư bị cô lập. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Lữ đoàn pháo binh 572 đưa lực lượng đến giúp khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Bok Tới và Ân Nghĩa (Hoài Ân); phối hợp với Lữ đoàn pháo phòng không 573 giúp gia cố một đoạn đê bị sạt lở trên địa bàn thị xã An Nhơn. Sau khi nước rút, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị quân đội của Quân khu, của Bộ đóng quân trên địa bàn để khắc phục hậu quả.
NGUYỄN PHÚC