Đâu chỉ… “chuyện của trời”!
Sau đợt mưa lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vùng trong tỉnh, ngay trong những ngày đầu tháng 12, tỉnh ta lại tiếp tục gánh chịu thiệt hại do mưa lớn gây lũ lụt tại nhiều nơi.
Một lần nữa nhiều xóm làng trong tỉnh lại ngập chìm trong biển nước, nhà cửa bị ngập chìm, đường sá bị cuốn trôi, hoa màu bị thiệt hại nặng nề… Nhìn những vườn mai Tết ở An Nhơn, những cánh đồng vừa xuống giống được ít ngày ở Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân… ngập chìm trong nước lụt, chúng ta không khỏi nhói lòng, và càng nhói lòng hơn khi hình dung ra những khốn khó đang đón đợi người dân các vùng này ở phía trước khi lũ lụt đi qua.
Vẫn biết “nắng mưa là việc của trời” nhưng chỉ trong vòng một tháng phải gánh chịu hai đợt lũ lụt thì thật là ác nghiệt làm sao. Cách nhau một tháng nhưng đợt mưa lũ này lại xảy ra sau thời điểm “hăm ba tháng Mười” nên hàng chục ngàn héc ta vừa xuống giống vụ Đông Xuân đã bị ngập, có khả năng bị mất giống, không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của vụ này. Một lần nữa thời tiết đã cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực ngày càng to lớn và khó lường hơn.
Từ câu chuyện lũ lụt hôm nay, nhìn lại đợt nắng hạn đã xảy ra ở cả năm ngoái và năm nay càng thấy rõ điều này. Trong hai năm nay, nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kỷ lục ở cả ba miền, trong đó có Bình Định, khiến cho hàng trăm ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp, hàng vạn gia súc, gia cầm bị chết, nhiều nơi không còn nước uống cho người và gia súc. Hiện nay, trong khi các tỉnh miền Trung đang oằn mình vì lũ lụt thì các tỉnh Nam bộ lại đang phải đối diện với nạn xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa do nước biển dâng.
Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo Bộ NN&PTNT, do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của El Nino, những năm qua thiên tai đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân Việt Nam. Từ năm 1994 đến 2013, theo thống kê rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn cầu với trung bình mỗi năm có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, mực nước biển dâng ven biển Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là cao hơn mực nước biển dâng trung bình của toàn cầu. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng 1m thì đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất tới 40 - 50% diện tích, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang. Mỗi năm, sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 10 đến hàng trăm mét, đồng thời làm mất đi khoảng 1% diện tích rừng ngập mặn ven biển.
Không nói đâu xa, chỉ riêng 2 đợt mưa lũ cuối tháng 10 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 65 người chết và mất tích; khoảng 191.000 nhà bị ngập nước; 22.151ha lúa bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính hơn 7.198 tỉ đồng. Theo đánh giá chung, mặc dù các cấp chính quyền địa phương và người dân đã chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả mưa lũ nhưng thiệt hại về người vẫn còn lớn. Nguyên nhân do người dân, chính quyền một số địa phương còn chủ quan trong ứng phó. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về thiên tai, sự cố và cách phòng tránh, không chủ quan trong ứng phó để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời tăng cường năng lực ứng phó, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Đặc biệt, trong công tác ứng phó thiên tai phải chủ động không để bị bất ngờ,thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời với mọi tình huống khi thiên tai xảy ra.
Rõ ràng, bây giờ nắng mưa đã không còn chỉ là “chuyện của trời” như hàng trăm, hàng ngàn năm trước nữa. Đằng sau chuyện nắng, chuyện mưa ngày nay là sự biến đổi khí hậu và hệ lụy của nó là các tác hại gây ra cho sản xuất và đời sống đã là “chuyện nhãn tiền”. Đặc biệt, hoạt động nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn từ những thay đổi của khí hậu cùng các thảm họa tự nhiên như bão, lụt, hạn hán. Vì vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đảm bảo sinh kế cho người dân là vô cùng quan trọng và hết sức cấp thiết.
H.Ð