Khởi động “văn hóa từ chức”!
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, vấn đề văn hóa từ chức đã được các đại biểu đề cập, thảo luận như một nhận thức mới về công tác tổ chức cán bộ. Ngay sau đó, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 28-29.11, vấn đề này đã được các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận với vai trò là một trong những giải pháp trong công tác tổ chức cán bộ của bộ máy nhà nước.
Được biết, theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức (CBCC) năm 2008, khái niệm từ chức được giải thích là việc CBCC lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Việc từ chức thực hiện trong các trường hợp: không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ; vì lý do khác. Còn xét ở góc độ văn hóa, từ chức một cách tự nguyện, tự giác là thái độ trung thực với bản thân, biết xấu hổ khi làm điều trái với đạo lý, đi ngược lại lợi ích của cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Như vậy có thể coi hành vi từ chức là biểu hiện của tinh thần cao thượng, dũng cảm, tự trọng.
Thực tế cho thấy, cho đến nay mới chỉ có rất ít trường hợp cá nhân đang ở vị trí lãnh đạo tự nguyện xin từ chức theo các trường hợp quy định tại Luật CBCC. Một trong những trở ngại là vì những ưu đãi được hưởng do chức vụ đem lại quá lớn so với chính sách khuyến khích động viên. Việc Chính phủ khởi động “văn hóa từ chức” là hành động mang tính thúc giục thay vì chỉ nói chung chung hay hô hào suông. Tuy nhiên, để thực hiện “văn hóa từ chức” đối với những người hạn chế về năng lực, phẩm chất để nhường chỗ cho những người tài giỏi đảm đương nhiệm vụ, thì cần có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý; các quy định về từ chức của CBCC phải dựa trên nền tảng cải cách hành chính và công tác tổ chức cán bộ.
Trong kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong Đề án thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã xác định có 3 nhóm giải pháp quan trọng sẽ được triển khai là: nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách và nhóm giải pháp về kỷ luật kỷ cương. Trong nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng, Đề án đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong CBCC một cách mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu thực chất và hiệu quả.
Có thể nói, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 sẽ là một trong các giải pháp quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy thực hành “văn hóa từ chức” trong CBCC. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về “văn hóa từ chức”, làm cho dư luận xã hội nhận thức đúng đắn về “văn hóa từ chức”, coi việc đó là một hành vi bình thường trong đời sống xã hội. Thậm chí xã hội nên đánh giá cao bản lĩnh, lòng tự trọng của những người dám tự nguyện từ chức vì lợi ích chung, coi hành động từ chức là biểu hiện của phẩm giá và đức hạnh cần được tôn trọng và ủng hộ. Nếu một ai đó đang đảm đương vị trí lãnh đạo tự soi rọi lại mình, tự nhận thấy bản thân không đủ năng lực, trình độ, uy tín hay sức khỏe để tiếp tục nhiệm vụ hiện tại, tự nguyện xin từ chức thì vẫn xem đó như một sự đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung.
Mặt khác, xã hội cần lên án những người tài hèn, đức mỏng, năng lực hạn chế… nhưng tham quyền cố vị, tìm mọi cách để “bám ghế” nhằm vụ lợi cá nhân; hoặc tìm cách từ chức để đối phó, chối bỏ trách nhiệm đã gây ra.
Thực hành “văn hóa từ chức” - nên lắm chứ!
HẢI ÐĂNG