Loạn thực phẩm chức năng: Hoạt chất nào cũng là con dao hai lưỡi
Vài năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) khá phổ biến với lối nghĩ suy đơn giản, không bổ nọ cũng bổ kia; hay thực phẩm chứ có phải thuốc đâu mà lo. Nhưng có đúng thế không?
Muôn kiểu TPCN
Một người tôi quen cách đây gần chục năm, nay gặp lại trông rất “khá khẩm” dẫu vợ vẫn còn mang căn bệnh cũ. “Vợ tôi trước chạy thận tuần 3 lần, nay chỉ còn 1 tuần/lần. Cũng may nhờ có loại thực phẩm chức năng của Pháp mà người quen giới thiệu uống miết từ đó đến giờ. Cũng từ đó, tôi kiêm luôn người bán loại TPCN này. Không tin thì có gương người thực việc thực là vợ tôi - trước và sau khi dùng nó - là OK ngay. Nhờ vậy, cũng kiếm được kha khá” - cậu bạn nói thật tình.
Quả thực, vợ bạn tôi trông có sức khỏe hơn xưa, da dẻ đẹp hơn trước. Cậu bạn thao thao thuyết trình về loại TPCN vợ đang dùng và mình đang bán, mới đầu nghe còn được, sau riết rồi mỗi lúc càng chối tai hơn về công dụng “thần kỳ” của nó như: “Năm ngoái, có người bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, lở loét khắp người, uống loại tôi đưa chừng một tháng thấy đỡ hẳn, không chừng hết hẳn bệnh có khi (!)”. Loại TPCN đó - có thể hỗ trợ tốt cho bệnh thận - song chưa hẳn là “thần dược” trị được bá bệnh, như bệnh HIV/AIDS chẳng hạn.
Hiện nay, ở TP Quy Nhơn, tại các hiệu thuốc tây hay siêu thị medicare (thuộc Trung tâm Thương mại Kim Cúc Plaza) có thể dễ dàng tìm mua rất nhiều loại TPCN nội lẫn ngoại (chiếm áp đảo) đang được bày bán. Chưa kể, một số bạn bè, người thân thi thoảng cũng giới thiệu, mời mua TPCN là hàng xách tay người thân mang về từ nước ngoài. Thậm chí, chỉ cần ngồi ở nhà gõ chữ “thực phẩm chức năng xách tay”, không biết bao trang mạng bán hàng online hiện ra, giới thiệu đủ loại TPCN, với phương thức thanh toán nhanh, gọn.
Các loại TPCN phổ biến vẫn là Glucosamine, sụn vi cá mập được quảng cáo là tốt cho xương khớp, tăng chất nhờn khớp gối; Ginkgo (bổ não); Omega 3 (bổ sung vitamin A); Collagen viên hoặc thuốc nước (kéo dài tuổi thanh xuân cho phụ nữ); đến các các loại trà, cà phê giảm - tăng cân, chống mất ngủ, hạn chế tiểu đêm... Giá cả mỗi lọ dao động từ vài trăm ngàn đồng đến gần cả triệu đồng tùy theo từng loại, hãng dược phẩm. Công dụng của TPCN đến đâu thì cần có thời gian và do người dùng tự thẩm định, nhưng thực tế, không ít người mua dùng theo lối “nghe mách đâu mua đó”; hay tự nhủ, uống vào không bổ dọc cũng bổ ngang và nhất là TPCN chứ có phải thuốc đâu mà sợ gây hại.
Chị Hoàng Hoa, nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh, TP Quy Nhơn, kể: “Hai năm nay, bố mẹ tôi là khách hàng trung thành của nhiều loại TPCN. Cụ ông mất ngủ, rối loạn tuần hoàn não nên dùng thường xuyên Ginkgo, Glucosamin trị nhức chân cho cụ bà; chưa kể các loại thuốc đặc trị các bệnh này các cụ vẫn uống thường xuyên. Lâu lâu, lại có cháu ở Sài Gòn gửi về các loại thuốc bổ sung vitamin rau xanh, khoáng chất gì đó. Tôi bảo, bố mẹ còn ăn rau củ quả được thì nên dùng trực tiếp, cần gì phải dùng TPCN, nhưng ông bà đâu có nghe. Bảo TPCN mà, hại gì đâu mà không dùng”.
Hoạt chất nào cũng là con dao hai lưỡi
Đây là cảnh báo của bác sĩ Lương Lễ Hoàng - bác sĩ có kinh nghiệm điều trị Đông Tây y kết hợp - làm việc tại Phòng khám đa khoa EUROVIE (210A đường Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh) qua bài viết trên trang web www.luonglehoangcom, đăng tải ngày 2.12.
Theo bác sĩ Hoàng, về mặt cấu trúc, đa số TPCN đang được lưu hành không có gì khác biệt với dược phẩm. Khác chăng chỉ là ở điểm nhà sản xuất nhờ khéo lách nên được phép mang ra thị trường mà khỏi cần tuân thủ các qui định khắt khe về sản xuất dược phẩm, nghĩa là khỏi thử lâm sàng, khỏi nghiên cứu thực nghiệm, khỏi đủ thứ chuyện nhiêu khê về quản lý dược. Đặc biệt, trong khi thủ tục đăng ký sản phẩm thuộc nhóm TPCN ở các nước khác rất gắt nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thì ở nước ta vẫn còn quá đơn giản.
Bác sĩ Hoàng cảnh báo việc lạm dụng TPCN có thể gây ra những nguy cơ. Bên cạnh nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng ngẫu biến trong cấu trúc của tế bào - là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư - như khói thuốc lá, phế phẩm kỹ nghệ, kim loại nặng... thì thực phẩm nếu dùng sai cũng là lý do khiến tế bào thay vì phát triển bình thường bỗng trở thành ung thư. Bởi TPCN nếu xét mặt cơ chế tác dụng cũng là một loại hoạt chất khi được đưa vào cơ thể, nghĩa là phải có tác dụng nào đó, không tốt thì xấu, không thể có chuyện vô bổ, vô hại. Ông ví von, nếu món ăn đã được thử lửa qua bao thế hệ còn có thể gây hại nếu dùng không đúng, hay tuy dùng đúng nhưng lại gặp điều kiện sinh hóa, sinh vật lý trắc trở nào đó, thì nói chi đến hoạt chất trong cây thuốc, nếu dùng sai chỉ định, nếu bị lạm dụng vì người bệnh không hiểu, hay tệ hơn nữa, vì nhà sản xuất quá hiểu nhưng cố tình lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng.
Vì vậy, đã đến lúc phải ngăn chặn ngay thực trạng tai hại từ khuynh hướng tự điều trị của người bệnh hay tự bán thuốc của nhà thuốc với thực phẩm gọi là chức năng nhưng không biết chức năng gì! Dược phẩm loại nào cũng thế, hay bất cứ hoạt chất nào được đưa vào cơ thể, đều là “con dao hai lưỡi”, vừa lợi vừa hại.
Trong khi đó, các chuyên gia dinh dưỡng Viện nghiên cứu Hoa Kỳ cũng khuyên, nên cố gắng cân bằng dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày thay vì dùng thuốc. Bởi qua ăn uống trực tiếp, ngoài hấp thụ đủ vitamin và khoáng chất từ thực phẩm, mọi người còn hấp thụ các chất xơ cần thiết từ thực phẩm và không hấp thụ các hóa chất có trong thuốc.
Tác hại của TPCN khi không dùng đúng cách:
Quá nhiều vitamin A: Nhiễm độc gan
Quá nhiều calci, vitamin D, hoặc vitamin C: Sỏi thận
Quá nhiều gạo đỏ lên men (điều hòa cholesterol): Ðau cơ, nhiễm độc gan
Quá nhiều 5-HTP hoặc St John wort (một loại thảo dược điều trị trầm cảm): Buồn nôn
Quá nhiều vitamin B6: Bệnh thần kinh ngoại biên
Quá nhiều dầu cá: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và tăng cholesterol xấu (LDL)
Quá nhiều kẽm: Ảnh hưởng tới vị giác và khứu giác
Quá nhiều sắt: Táo bón
Quá nhiều magne: Tiêu chảy
Quá nhiều Iod: Vấn đề tuyến giáp
(Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia)
N.M