Tuyển dụng, sử dụng cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã:
Vẫn còn chệch choạc!
Từ năm 2011 đến nay, trong 51 cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) được Sở Y tế xét tuyển có đến 7 người bỏ việc. Với những người đang làm DS-KHHGÐ, có 36 người đủ điều kiện được tuyển, nhưng chỉ 32 người nhận việc. Trong khi đó, việc bố trí, sử dụng còn bất cập.
Người một nơi, làm một nẻo
Việc xét tuyển theo Đề án bố trí biên chế cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ tại 159 trạm y tế xã được thực hiện từ năm 2011. TP Quy Nhơn là một trong những địa phương có sự xáo trộn nhân lực làm công tác DS-KHHGĐ tuyến xã nhiều nhất. Trong 21 xã, phường chỉ có 2 chuyên trách cũ được đặc cách tuyển theo nhóm ưu tiên, 7 trường hợp giữ lại đào tạo trung cấp dân số - y tế, để tiếp tục xét tuyển. Và có đến 13 chuyên trách phải tuyển mới.
Đến hết năm 2012, Quy Nhơn tuyển được 11 chuyên trách DS-KHHGĐ. Nhưng mới làm việc được khoảng 1 tháng, chuyên trách DS-KHHGĐ ở Trạm y tế phường Lê Hồng Phong đã xin nghỉ việc.
Chuyên trách DS-KHHGĐ mới tuyển cần được hỗ trợ nhiều để có thể tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động giao lưu tìm hiểu kiến thức.
- Trong ảnh: Hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên tổ chức ở trường THPT Ischool Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết : “Hiện tại, Sở Y tế đang xét tiếp cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cho 46 xã còn lại. Nếu thuận lợi thì đến cuối năm nay đội ngũ này sẽ kín, không còn bố trí người kiêm nhiệm hay hợp đồng”. Đáng nói hơn, việc bố trí cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ còn chưa phù hợp, còn có những trường hợp bố trí người từ địa bàn này đến địa bàn khác làm việc. Tại TP Quy Nhơn, có 2 trường hợp phải điều chuyển công việc để đảm bảo phù hợp cho công việc. Năm 2011, Nguyễn Thị Thúy Diễm, ở phường Nguyễn Văn Cừ, hiện đang làm chuyên trách DS-KHHGĐ phường Ngô Mây, nhưng trước đó lại được xét tuyển bố trí làm chuyên trách DS-KHHGĐ tại Trạm y tế phường Đống Đa. “Vốn không thông thuộc địa bàn nên bước đầu mọi việc đều phải dựa vào lực lượng cộng tác viên. Hiện tại, công việc còn rất nhiều khó khăn về nắm địa bàn, công tác phối hợp, nên tôi vẫn phải tranh thủ thời gian vừa làm, vừa tìm hiểu”, Diễm cho biết.
Một số huyện khó khăn hơn khi chuyên trách DS-KHHGĐ lại được điều từ nơi khác về. Ở huyện Vân Canh, thị trấn Vân Canh và 3 xã Canh Hiệp, Canh Vinh, Canh Hòa đã có chuyên trách. Trong đó, chỉ có cán bộ DS-KHHGĐ thị trấn Vân Canh và xã Canh Hòa là người địa phương, số còn lại từ nơi khác đến. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh Nguyễn Văn Ngọ, thực tế cho thấy, nếu không có họ hàng gốc gác, cán bộ dân số rất khó thuyết phục người dân địa phương khi tuyên truyền.
Ông Ngọ kể từng có trường hợp đặc biệt, gia đình một cán bộ dân số khá trẻ mới về Vân Canh nhận công tác ở một xã vùng cao, tới trạm y tế xã đòi đốt trạm, đòi đánh trưởng trạm chỉ vì “bắt” cô cán bộ trẻ nọ đi làm vào ban đêm. Lãnh đạo trung tâm y tế huyện phải gặp gia đình, giải thích, vận động mãi mới “yên chuyện”.
Còn nhiều việc phải làm
Tại giao ban 6 tháng đầu năm công tác DS-KHHGĐ Sở Y tế vừa tổ chức trong tháng 7, nhiều lãnh đạo trung tâm DS-KHHGĐ và trung tâm y tế lên tiếng về việc xét tuyển cán bộ làm công tác chuyên trách DS-KHHGĐ cho địa phương.
Hiện tại, Vân Canh vẫn còn 3 xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hiển, công tác DS-KHHGĐ do cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản của trạm y tế kiêm nhiệm. “Đợt tuyển chuyên trách DS-KHHGĐ tới, chúng tôi đăng ký tuyển 3 nữ hộ sinh để hỗ trợ cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Trường hợp không có nữ hộ sinh thì cũng chấp nhận điều dưỡng trung học. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải ưu tiên cho người địa phương, hay ít ra là người thông thạo đường đi lối lại”, bác sĩ Ngọ cho biết.
Trong khi đó, đội ngũ chuyên trách DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn được “trẻ hóa”, phần lớn mới tốt nghiệp ra trường nên gặp không ít khó khăn. Để từng bước củng cố và hoàn thiện đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tuyến xã, phường, vào các dịp giao ban tháng, Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn đều tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chuyên trách mới. Ông Nguyễn Anh Văn, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Nhiều người mới nhận nhiệm vụ, chưa am hiểu và nắm rõ đặc điểm địa bàn, việc theo dõi đối tượng và quản lý gần như trông chờ báo cáo của cộng tác viên dân số và nhân viên y tế thôn, khu vực. Công tác phối hợp ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép hoạt động truyền thông cũng rất khó. Nhiều người chưa từng tham gia công tác xã hội ở địa phương cần được hỗ trợ nhiều để có thể tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động giao lưu tìm hiểu kiến thức về DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản…”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang cho rằng, công tác dân số có những đặc thù riêng, đòi hỏi chuyên trách phải thông thuộc địa bàn, dân cư đặc thù của từng vùng miền. “Trước mắt là hoàn thành việc tuyển dụng. Sau đó, ngành sẽ tiến hành các lớp đào tạo, tập huấn, khảo sát thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng để có kế hoạch đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo liên tục để hoàn thiện đội ngũ này”, ông Quang nhấn mạnh.
NGỌC TRÂM