Thỏa ước mơ đến trường cho trẻ da cam
Với tuổi thơ, dẫu là tuổi thơ khờ khạo, khiếm khuyết, ước mơ cháy bỏng nhất là được đến trường. Trẻ da cam ở 2 xã Cát Trinh và Cát Thành (huyện Phù Cát) đã được thỏa ước mơ ấy. Nỗi buồn, nỗi cô đơn vì không được đi học đã lùi lại phía sau; niềm vui, hạnh phúc đã dần đầy và bắt đầu ngân vang.
Tình nguyện viên Huỳnh Văn Phụng hướng dẫn các em hoạt động ngoài trời.
Tháng 9.2012, lớp học mang tên Ước mơ đầu tiên được mở tại Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh. Vừa qua, lớp Ước mơ thứ 2 hình thành tại Trường Tiểu học Cát Thành. Ngày khai giảng (26.11) là buổi học thứ 3 của thầy và trò lớp học Ước mơ 2. Không được dạn dĩ như học trò Cát Trinh - vốn đã có 4 năm được đến trường, những học trò da cam Cát Thành bỡ ngỡ, rụt rè hơn. Nét ngại ngùng, lo sợ xen lẫn nỗi háo hức, chờ mong hiện rõ trên nhiều gương mặt học trò. Và đặc biệt, rất gần, quanh đâu đó là niềm vui, phấn khởi, thậm chí là niềm hạnh phúc của nhiều phụ huynh.
Niềm vui được đến lớp
Quan sát con gái Nguyễn Thị Tuyết (18 tuổi) từ phía cửa lớp, chị Nguyễn Thị Gặp (40 tuổi, thôn Chính Hóa, xã Cát Thành) tủm tỉm cười liên tục. Bên dưới chị, 2 đứa con trai đang tuổi lên 8, lên 9 cũng liên tục níu vạt áo mẹ, chỉ trỏ về phía chỗ ngồi của chị gái.
“Sau lớp học Ước mơ 1 và 2, tôi mong muốn sẽ có thêm lớp học Ước mơ 3, 4... Sẽ bền vững và rộng mở hơn khi chính quyền địa phương nhìn thấy được sự cần thiết của lớp học và bắt tay vào việc nhân rộng nó. Hãy giúp đỡ các em, đừng chỉ chăm chăm nhìn vào khiếm khuyết của các em”, giáo sư Michio Umegaki tâm sự.
Bên trong lớp, Tuyết đang liên tục nói, liên tục hoạt động. Lúc thì em hí hoáy tô tranh, í ới gọi cô giáo để hỏi về bức tranh của mình; lúc lại mang kẹo, mang sữa đến tặng những bạn đang ngồi thu lu một góc lớp. Tỏ vẻ rành rọt, trưởng thành, Tuyết động viên, dỗ dành bạn: “Bạn đừng khóc. Bạn đừng sợ. Đi học vui lắm. Bạn uống sữa nha! Bạn vẽ nha!”.
Chị Gặp bảo: “Tuyết lành lặn, khỏe mạnh, nói năng hoạt bát nhưng khờ đặc. Hồi nhỏ, cháu học 2 năm mẫu giáo, 1 năm lớp 1 nhưng vẫn không biết gì, nên phải nghỉ học. Vậy mà nói đến đi học thì mắt sáng lên, thích thú!”.
Không đứng nhìn con từ xa như chị Gặp, chị Nguyễn Thị Chờ (37 tuổi, ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành) vào tận lớp để học cùng con. Con gái chị, bé Phạm Thị Thùy Trâm (10 tuổi) có đôi tay, đôi chân co quắp. Chị đưa con đến lớp bằng chiếc xe đạp cũ, vào lớp bé Trâm ngồi học trên đùi chị. Thường ngày, tư thế dễ chịu nhất của bé là nằm, bò. Để ngồi học, bé phải có chỗ dựa, và mẹ Chờ là chỗ dựa hiển nhiên của bé.
Thấy việc đưa Trâm đi học cực hơn rất nhiều lần so với những em khác trong lớp, đã có một vài người quen “bàn lùi”, nói chị để cháu ở nhà cho mẹ đỡ cực. Nhưng, bà mẹ trẻ vẫn nhất quyết đưa con đến lớp và nhìn con cười thích thú.
“Cháu nó ức (thích - PV) đến trường quá. Đến trường, cháu vui vẻ, tâm tính dịu đi, ít bực bội, la hét. Đó là động lực của tôi”, chị Chờ tỉ tê. Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của hai mẹ con, Hội CTĐ tỉnh hứa sẽ hỗ trợ bé một cái xe lăn với kích cỡ phù hợp.
Em Nguyễn Thị Hồng Liêm tặng giáo sư Umegaki bức tranh em vẽ.
Tấm lòng của người gieo chữ
3 năm trước, lần đầu tiên đến lớp học Ước mơ ở Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh, dù hết sức tế nhị và thận trọng, nhưng tôi đã hỏi các thầy cô và tình nguyện viên rằng - liệu việc làm của họ có là “dã tràng xe cát”?. Ngay lúc đó, các thầy cô đều cho rằng: nếu sợ thì họ đã không bắt đầu; phải bắt tay vào làm thì mới biết có được hay không. Đến hôm nay, dù chưa có thành tựu gì lớn lao, những chuyển biến của học trò, của không khí lớp học đã cho thấy những nỗ lực của các thầy cô không phải là vô ích.
“Có em đã biết tự vệ sinh cá nhân, biết phụ giúp việc nhà, biết chào hỏi, thể hiện cảm xúc. Em khác đã giỏi hơn trong việc định hướng đi lại, cha mẹ để em đi bộ đến trường mà không sợ lạc. Một số em làm toán nhanh hơn, viết chữ đẹp hơn... Những chuyển biến ấy, dù nhỏ cũng tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi bám lớp”, cô giáo Hà Thị Mỹ Thôi, người đã theo lớp 4 năm học, tâm sự.
“Hoàn toàn không có chuyên môn về giáo dục chuyên biệt, các thầy cô dựa vào khả năng, sở thích, hứng thú của từng em để đưa ra cách dạy dỗ, uốn nắn phù hợp. Phương pháp hiệu quả nhất sẽ là chơi cùng, trò chuyện, múa hát cùng, đôi khi là chạy nhảy cùng... Tất cả các thầy cô đều đã làm cha, làm mẹ, vì thế họ còn lên lớp với vai trò là người cha, người mẹ giàu yêu thương, nhẫn nại”, bà Phạm Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh chia sẻ.
Khi tôi đề cập đến những món quà cho thầy cô trong Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), những người gieo chữ ở lớp học Ước mơ bảo: Hầu hết là tranh. Học trò thương ai thì sẽ vẽ tranh tặng người đó. Và thường, đó là những bức tranh vẽ chân dung thầy cô. Trong nét vẽ giản đơn ấy đầy ắp tình thương, sự nhẫn nại. Mỗi lần tặng tranh, trò nhất quyết đứng đợi cô giáo cất tranh vào túi sách mới yên lòng.
Ông Huỳnh Văn Phụng (54 tuổi, tình nguyện viên phụ trách chăm sóc sức khỏe cho lớp) bảo: “Nếu phải dừng lớp học lại, điều chúng tôi sợ nhất là không biết các cháu sẽ như thế nào. Ngày chủ nhật nào cũng háo hức để gặp nhau, để cười với nhau, để nắm tay, ôm ấp nhau và thấy lòng mình nhẹ nhàng, hạnh phúc. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục bên các cháu”.
Thành viên nhóm Chung tay Donation gặp gỡ, vui chơi với các học sinh.
Chung những bàn tay
Người khởi xướng lớp học Ước mơ cho trẻ da cam ở huyện Phù Cát là giáo sư người Nhật Bản Michio Umegaki (69 tuổi, Trường Đại học Keio). Khi đến Phù Cát để thực hiện nghiên cứu về hậu quả chiến tranh, ông đã nghĩ đến một lớp học mang tên Ước mơ cho những đứa trẻ nơi đây. Nỗ lực ấy của ông đã thành sự thật khi lớp học đầu tiên ra đời năm 2012 bằng chính khoản tài trợ từ tiền dành dụm của ông.
Điều đem lại hạnh phúc nhiều hơn nữa cho ông là ông không hề đơn độc trên hành trình này.
Tấm lòng và nhiệt huyết của ông, hình ảnh những đứa trẻ khao khát đến trường ở Phù Cát đã lay động những tấm lòng khác. 150 sinh viên và cựu sinh viên của Đại học Keio (trong đó có cả sinh viên người Việt Nam) đã hỗ trợ cùng ông để thực hiện dự án. Không dừng lại ở phạm vi lớp học, các sinh viên đã đến tận nhà học sinh, tìm hiểu và ghi chép về hoàn cảnh của các em để từ đó giúp giáo sư Umegaki vạch ra những hỗ trợ phù hợp. Học sinh Trần Thị Phương Mai (19 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh) đã được giáo sư Umegaki hỗ trợ 20 triệu đồng để phẫu thuật lại đôi chân, giúp em dễ đi lại hơn.
4 lần đến Bình Định để gặp gỡ, trao đổi với các học sinh của lớp học Ước mơ, Minami (sinh viên năm cuối chuyên ngành xã hội, Trường ĐH Keio) cho biết: cô rất vui khi được giúp đỡ các bạn học sinh. Điều làm cô xúc động nhất chính là hoàn cảnh gia đình và nụ cười, sự lạc quan của các bạn học sinh. Trong tương lai, cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng lớp học Ước mơ để có những giúp đỡ phù hợp hơn nữa.
Tại Việt Nam, một tổ chức cũng đã kết nối với giáo sư Umegaki để cùng hỗ trợ lớp học Ước mơ. Đó là nhóm Chung tay Donation (TP Hồ Chí Minh) - một tổ chức có các hoạt động hỗ trợ về giáo dục như cấp học bổng cho học sinh khó khăn, hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các trường khó khăn, tư vấn hướng nghiệp... Từ năm 2015, nhóm hỗ trợ lớp học Ước mơ 1 với mức 2 triệu đồng/tháng. Tháng 11.2016 trở đi, nhóm tiếp tục hỗ trợ thêm cho lớp Ước mơ 2 với mức tương tự. Như vậy, ngoài khoản hỗ trợ của giáo sư Umegaki 2.500USD cho mỗi lớp học mỗi năm, lớp còn có khoản hỗ trợ 24 triệu đồng/năm của nhóm Chung tay Donation. Điều này đã tiếp thêm lửa cho các thầy cô giáo đang gắn bó với lớp học Ước mơ.
Khi tôi hỏi, Nguyễn Thị Hồng Liêm (23 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh), em vui nhất là khi nào. Liêm cười tít mắt, bảo đó là ngày chủ nhật, ngày đi học. Liêm sẽ thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, đánh răng, rửa mặt, cột tóc, ăn sáng, mặc áo đồng phục, rồi ra trước cửa đợi bạn Bình. Mẹ bạn Bình không biết đi xe nên ba của Liêm sẽ chở Bình đi cùng. Sau đó, Liêm và Bình ôm nhau trên xe máy để ba chở đến trường. Hành trình đó là hành trình bình thường của bao đứa trẻ, nhưng với Liêm, nó quan trọng, ý nghĩa vô cùng. Trong lời kể và ánh mắt của Liêm, niềm vui sướng, mong chờ cho ngày đi học ùa đến một cách tự nhiên và mạnh mẽ, đủ để làm người đối diện vui lây.
NGUYỄN MUỘI