Kinh doanh dịch vụ thể thao trên biển: Cần hướng dẫn để làm đúng
Cùng với sự phát triển rầm rộ của du lịch biển đảo, những năm gần đây ở Bình Ðịnh, các sản phẩm đi kèm thuộc nhóm dịch vụ thể thao trên biển như: môtô nước, lặn biển cũng lần lượt ra đời. Dù vậy, để các dịch vụ này hoạt động đúng theo quy định cần có thêm thời gian điều chỉnh.
Gần đây, hoạt động du lịch của Bình Định phát triển vượt trội so với những năm trước. Nhiều tuyến, điểm du lịch biển có tiềm năng như: đầm Thị Nại, Cù lao Xanh, Hải Giang, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Eo Gió, Trung Lương, Kỳ Co… được địa phương chú trọng khai thác.
Dịch vụ lặn biển tại Bình Định hoạt động với hình thức thô sơ và chưa tuân thủ các quy định của pháp luật.
Kinh doanh nhưng chưa tuân thủ quy định
Hầu hết các tuyến, điểm du lịch vừa kể đều có các bãi biển, cảnh quan đẹp. Chính vì vậy, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chuyên nghiệp và một số cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đầu tư khai thác và xây dựng các tour du lịch biển đảo, lặn ngắm san hô, cho thuê môtô nước trên biển…, nhằm phục vụ khách du lịch đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, hầu hết, các hoạt động kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ thể thao đều là hoạt động tự phát; không đảm bảo chất lượng, không đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các điều kiện an toàn.
Hầu hết, các cơ sở hoạt động kinh doanh các tour du lịch biển lặn ngắm san hô là tự phát; hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho các tour du lịch biển đảo chủ yếu là ngư dân địa phương, chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch; chưa có cơ sở nào đăng ký hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định tại Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30.12.2008 của Bộ VH-TT&DL.
Loại hình lặn biển, ngắm san hô chủ yếu tập trung ở xã Nhơn Lý và Nhơn Hải. Các cơ sở tập trung khai thác chủ yếu tại Bãi Dứa, Hòn Sẹo (Nhơn Lý), Hòn Khô Nhỏ, Hòn Khô Lớn (Nhơn Hải) theo hình thức thô sơ (chỉ có kính lặn và vòi hơi), không có các trang thiết bị, dụng cụ lặn biển theo quy định cho khách lặn như: máy nén khí, bình khí nén, đồng hồ định vị, đồng hồ đo áp lực, đồng hồ đo độ sâu, đồng hồ đo nhiệt độ, đồng hồ đo thời gian lặn, quần áo lặn, thắt lưng chì, chân vịt, kính lặn, ống thở, hệ thống van, đường ống dẫn khí đến miệng thở và một số trang thiết bị khác.
Tại các khu vực lặn biển không có hệ thống phao tiêu, biển báo, cũng như khu vực tập kết phương tiện thủy và neo đậu phương tiện thủy. Đặc biệt, người hướng dẫn không có giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng cục TDTT hoặc Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam hay tổ chức lặn biển thể thao giải trí nước ngoài cấp và được Tổng cục TDTT công nhận, chứng nhận.
Hiện nay, trên địa bàn hai xã Nhơn Lý và Nhơn Hải có 9 môtô nước hoạt động kinh doanh trên biển. Hoạt động kinh doanh chính là cho khách du lịch thuê đi tham quan trên biển. Các phương tiện môtô nước này hoạt động chung với tuyến thủy nội địa, không có vùng mặt nước được xác định để hoạt động môtô nước, không có hệ thống phao tiêu hoặc cờ được định vị phù hợp với quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, cũng như không có bến bãi neo đậu phương tiện theo quy định… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, mất an toàn cho người tắm biển, người đang thực hiện các công tác trên biển trong vùng có phương tiện hoạt động.
Hầu hết phương tiện môtô nước đang hoạt động tại các địa phương đều không có giấy chứng nhận về đăng ký phương tiện nội thủy, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đặc biệt, người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ chủ yếu là ngư dân địa phương, chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Ðừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Theo ông Phan Tuấn Sơn, Phó phòng Nghiệp vụ TDTT - Sở VH&TT, thành viên đoàn thanh tra Sở VH-TT&DL (cũ), hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ, cá nhân trên địa bàn xã Nhơn Lý, Nhơn Hải đã dần ổn định. Nhiều phương tiện môtô nước, phương tiện thủy hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch… được trang bị đủ phao cứu sinh, cứu đuối và các trang thiết bị khác theo quy định, đảm bảo vận chuyển khách theo quy định. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của người dân tại các địa phương còn hạn chế, nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh trên địa bàn xã Nhơn Hải chưa nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, hướng dẫn các quy định của nhà nước có liên quan đến ngành nghề mình đang hoạt động kinh doanh.
“Dù chưa ghi nhận về những tai nạn xảy ra liên quan đến các loại hình thể thao trên biển, nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động để chủ các cơ sở thực hiện đúng quy định, tránh những hậu quả đáng tiếc do bất cẩn. Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn, Sở GTVT phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý kiên quyết các phương tiện thủy nội địa, môtô nước không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch” - ông Sơn cho biết.
Ngành VH-TT&DL cũng kiến nghị UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo UBND các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ lặn biển và môtô nước trên địa bàn tiến hành lập các thủ tục thuê và khoanh vùng mặt nước biển để bỏ phao tiêu báo hiệu khu vực lặn biển, vùng hoạt động của môtô nước, tránh các tai nạn về giao thông đường thủy.
Ðợt kiểm tra trong tháng 10 vừa qua, thanh tra Sở VH-TT&DL (cũ) cùng các đơn vị liên quan tiến hành phổ biến đầy đủ các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, kinh doanh dịch vụ lặn biển thể thao và môtô nước trên biển cho các cơ sở tham gia hoạt động kinh doanh tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và Nhơn Châu. Ðồng thời, yêu cầu các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ lặn biển và cho thuê phương tiện môtô nước tiến hành lập các thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh phù hợp với ngành nghề theo quy định của pháp luật.
LÊ CƯỜNG