Phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập
Nhân dịp Ðại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (diễn ra ngày 5- 6.12), bà Nguyễn Thanh Thụy, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Ðịnh, Phó Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, có bài viết nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập. Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phụ nữ cần tự nỗ lực và được tạo cơ hội để phát huy vai trò của mình trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập.
- Trong ảnh: Các nữ đại biểu HĐND tỉnh khóa XII (NK 2016 - 2021). Ảnh: N.SƯƠNG
1.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là một trong những điều kiện quan trọng, là động lực, cơ hội tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập nâng cao trình độ, mở rộng môi trường hoạt động, tham gia nhiều hơn vào kinh tế thị trường, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng tiềm ẩn nhiều thách thức và tác động tiêu cực mà phụ nữ cần phải vượt qua. Mặc dù cơ hội việc làm lớn hơn nhưng phần lớn phụ nữ vẫn ít có cơ hội tiếp cận do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc còn hạn chế; và nhiều lao động nữ chưa nhận thức được tác động của hội nhập đến đời sống, việc làm của mình và các thành viên trong gia đình.
Vấn đề đặt ra là phụ nữ phải phấn đấu như thế nào để có thể tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới của đất nước cũng như để bản thân mình đáp ứng những yêu cầu phát triển mới và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Để làm được điều đó, ngoài những yếu tố khách quan thì sự phấn đấu và nỗ lực của bản thân người phụ nữ là hết sức quan trọng. Chị em phải chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức khoa học công nghệ; có ý thức cầu tiến, độc lập, dám nghĩ, dám làm, tin vào quyết tâm và khả năng thành công của mình. Phụ nữ cần biết hoạch định kế hoạch, tổ chức cuộc sống khoa học để tránh những áp lực, căng thẳng trong công việc, trong gia đình; biết hy sinh đúng cách, cân bằng được giữa công việc và chăm lo gia đình; vượt qua định kiến giới; quan tâm chăm sóc sức khỏe; tích cực tham gia các hoạt động xã hội..., có như vậy mới nắm bắt được cơ hội.
2.
Bên cạnh nỗ lực của người phụ nữ, cần có các yếu tố khách quan hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ hoàn thành vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, như sự ủng hộ của cộng đồng và xã hội, sự chia sẻ của những người thân. Điều quan trọng đó là các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về bình đẳng giới phải được chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Các cấp ủy đảng cần có giải pháp khả thi tăng tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý để tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, những chính sách cản trở thực hiện bình đẳng giới, như: tuổi đào tạo, tuổi quy hoạch, tuổi bổ nhiệm cán bộ nữ. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương, vùng; tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho phụ nữ và gia đình họ; đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ xã hội, an sinh xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ có thêm thời gian để tham gia vào các công việc, hoạt động xã hội, đồng thời chăm sóc gia đình. Nhà nước cần có chính sách cụ thể để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp do nữ làm chủ, tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, có cơ hội tham gia các mạng lưới kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực; quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp cho phụ nữ và xúc tiến thương mại nhằm huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của nữ doanh nhân cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Các địa phương, đơn vị nên lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong phát triển KT-XH cũng như trong xây dựng cơ chế, quy chế mình. Cần phát huy vai trò, hoạt động của tổ chức hội phụ nữ, nhất là ở cơ sở.
3.
Trên cơ sở xác định trọng tâm hoạt động của Hội LHPN trong nhiệm kỳ mới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức mọi mặt; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài để huy động nguồn lực, xây dựng, nhân rộng mô hình làm kinh tế giỏi; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt chú ý tới đối tượng phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội. Các hoạt động của hội phụ nữ phải hướng vào phát huy nội lực của phụ nữ; xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tự tin, có ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật. Hội LHPN cần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, làm tốt công tác cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước.
Khi phụ nữ có cơ hội và xác định đầy đủ vai trò giới, chắc chắn họ sẽ phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và tạo vị thế cho bản thân.
NGUYỄN THANH THỤY