Thi Toán trắc nghiệm THPT Quốc gia 2017:
Những “trợ lực” đáng tham khảo
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, hình thức làm bài môn Toán có nhiều thay đổi. Ðể giúp giáo viên, học sinh có cách dạy, học phù hợp, Sở GD&ÐT đã tổ chức hội thảo ôn thi môn Toán; đồng thời, giới thiệu những trang web bổ ích để giáo viên và học sinh tham khảo, học hỏi.
Trong số 50 câu hỏi dự kiến sẽ có mặt trong đề thi Toán THPT Quốc gia năm 2017, phần kiến thức cơ bản chiếm trên 60%, phần nâng cao không quá 40%. Cụ thể, số lượng câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu khoảng 60-65% (khoảng 30-32 câu), số câu vận dụng thấp khoảng 20-30% (10-15 câu), số câu vận dụng cao không quá 15% (6-7 câu).
Một tiết học Toán do thầy giáo Nguyễn Duy Chiến đứng lớp.
Bám sát đề minh họa, phản biện kỹ lưỡng
Băn khoăn nhiều nhất của giáo viên hiện nay là cách ra đề trắc nghiệm thế nào cho phù hợp với từng mức độ, đối tượng học sinh trong từng bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ. Ðiều này đã được thầy Ðào Xuân Luyện, giáo viên dạy Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn - từng tham dự lớp tập huấn của Bộ về cách soạn đề - hướng dẫn kỹ càng.
“Nhiều người đã tính bình quân là 2,5 tiết thì được một câu trắc nghiệm. Các thầy cô chú ý số tiết trong phân phối chương trình ở từng chương, từng chủ đề, thường là theo bài học trong sách giáo khoa, để từ đó định hướng số câu hỏi cho một chương, một chủ đề” - thầy Luyện chia sẻ.
“Lời văn phải mang tính phổ thông, không đánh đố, gài bẫy thí sinh, không tạo ra nhiều cách hiểu. Cố gắng đưa nội dung chính vào câu hỏi để các phương án trả lời được ngắn gọn. Hãy nhớ sử dụng đa dạng các hình thức để truyền tải thông tin như dùng lời văn, công thức, bảng biểu, biểu đồ, đồ thị” - thầy Luyện chia sẻ thêm.
Giải đáp băn khoăn của giáo viên, thầy Trần Văn Năng, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ÐT), nói rõ: “Việc phân chia các mức độ trong đề thi không có ranh giới rõ ràng và có phần cảm tính, phụ thuộc vào mặt bằng trình độ chung của học sinh ở mỗi trường, mỗi khu vực. Bởi có thể cùng một câu hỏi, nhưng với học sinh trường này là thông hiểu, học sinh trường khác lại là vận dụng thấp. Dù vậy, các thầy cô khi soạn đề, cần bám sát đề minh họa của Bộ GD&ÐT, để phần nào đáp ứng mặt bằng chung yêu cầu của đề thi chính thức”.
Ðáng lưu ý, giáo viên khi soạn xong đề trắc nghiệm, nhất thiết phải có phản biện đề. “Các thầy cô đừng chủ quan mà phải hết sức kỹ lưỡng. Làm đề xong hãy tiến hành phản biện để có thể phát hiện những điều chưa chuẩn, để xem ngôn ngữ diễn đạt có tương thích với chương trình, sách giáo khoa không, các phương án chọn lựa đã tốt chưa” - thầy Năng lưu ý.
Nỗ lực tạo nguồn học liệu dồi dào
Gần 2 tháng qua, các giáo viên dạy Toán trong tỉnh thường xuyên vào website www.toanhocbinhdinh.com để tham khảo tài liệu, đề thi Toán trắc nghiệm. Trang web này do các giáo viên trong tỉnh lập ra, với mục đích tạo diễn đàn kết nối giáo viên dạy Toán trong toàn tỉnh.
Ðầu năm học này, trang toanhocbinhdinh.com nhập vào trang www.toanhocbactrungnam.vn, thầy Nguyễn Duy Chiến (Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Hoài Nhơn) cùng với thầy Trần Quốc Nghĩa (tỉnh Bình Dương) và 6 giáo viên dạy Toán khác ở ngoài tỉnh đang nỗ lực cùng nhau tìm kiếm những nguồn học liệu bổ ích, tạo kho tư liệu các bài tập Toán trắc nghiệm lớp 12, ngân hàng đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017, và phần trắc nghiệm online có tin cậy về chuyên môn cao, được nhiều giáo viên dạy Toán trong và ngoài tỉnh truy cập.
Ngoài việc chăm chút cho trang web, ban quản trị còn tạo trang Toán học Bắc Trung Nam trên mạng xã hội facebook với mục đích làm công cụ để tiếp cận với nhiều học sinh hơn.
“Trên facebook, tôi share các đường dẫn qua trang web. Không chỉ đăng bài, chúng tôi còn phân công người chịu trách nhiệm trả lời thắc mắc của học sinh. Ngày 20.11 vừa qua, chúng tôi còn tổ chức một bài thi trắc nghiệm Toán online và trao thưởng cho em đạt điểm cao nhất”- thầy Chiến cho biết.
Ngoài ra, các giáo viên Toán trong tỉnh còn tạo trang http://toanhocbinhdinh.freevnn.com. “Trang này gồm ngân hàng đề Toán trắc nghiệm do thầy, cô giáo trong tỉnh soạn ra và giới thiệu trong nội bộ ngành GD&ÐT tỉnh, mang đặc trưng địa phương về lực học, điểm mạnh - yếu của học sinh từng trường, từng vùng” - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học Trần Văn Năng cho biết.
“Nhiều học sinh của trường phản hồi rằng, rất hứng thú với các trang hướng dẫn Toán trắc nghiệm vì tìm thấy ở đó bao điều bổ ích. Dù trên internet hiện có nhiều địa chỉ giúp ôn thi Toán trắc nghiệm trực tuyến, nhưng hầu hết đều yêu cầu học sinh nạp tiền vào, trong khi nội dung tài liệu có đôi chỗ chưa thật chính xác. Những ý tưởng hỗ trợ giáo viên, học sinh hoàn thành tốt môn thi Toán trắc nghiệm trong một kỳ thi quan trọng như THPT Quốc gia, mà lại không tốn kém gì, là rất đáng hoan nghênh, khuyến khích và nhân rộng” - thầy Võ Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin, Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn) trao đổi.
NGỌC TÚ