Nói không với… chung chi!?
Một trong những vấn đề thời sự nổi cộm trong những ngày qua là việc các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên khắp các nẻo đường trên phạm vi cả nước. Có thể nói đây là đợt ra quân khá rầm rộ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xe quá tải vốn được xác định là một trong các “thủ phạm” phá hoại cầu đường khủng khiếp nhất.
Tuy nhiên, ra quân chưa được mấy hôm thì trên nhiều diễn đàn, cả trực tiếp và gián tiếp, lại rộ lên vấn đề có nên cấm tuyệt đối hay vẫn cho phép xe quá tải lưu thông trên đường nhưng phải nộp phí? Và các ý kiến khi đề cập vấn đề này cũng hết sức đa chiều, tùy theo góc độ nhìn nhận và xem xét các lợi ích khác nhau. Một số thì cho rằng không nên cho xe quá tải lưu thông và buộc phải hạ tải vì đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc và là tác nhân chính gây hư hại mặt đường. Một số thì cho rằng cho chở quá tải nhưng bắt buộc phải nộp phí thật cao, với lý lẽ cho rằng cơ quan quản lý đã cho nhập phương tiện tải trọng lớn thì phải cho lưu thông để không… lãng phí năng lực của phương tiện!
Trên thực tế, hệ lụy mà xe quá tải gây ra là quá rõ và không cần phải bàn cãi cho mất thì giờ. Đó là hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc chỉ vì xe quá khổ, quá tải phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra. Đó là nhiều con đường mới làm chưa được bao lâu đã nham nhở, vá víu chỉ vì tải trọng của xe vượt nhiều lần so với mức chịu tải của con đường. Đó là nỗi nhức nhối về trật tự an toàn xã hội, những thiệt hại to lớn về kinh tế, những mất mát nhân mạng trên các tuyến đường khiến cho cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để lập lại trật tự…
Nguyên nhân dẫn đến việc xe quá tải vô tư lăn bánh trên đường thì có nhiều, nhưng chung quy trách nhiệm vẫn thuộc về các ngành chức năng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý trong lĩnh vực này. Dư luận xã hội cho rằng nếu tất cả các lực lượng chức năng làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, kiên quyết “nói không” với chuyện chung chi của tài xế và chủ hàng, nghiêm khắc xử phạt đối với xe quá tải thì đã không có chuyện luật cứ cấm, người ta cứ vi phạm như lâu nay. Bên cạnh đó, trách nhiệm còn thuộc về các ngành chức năng khi cho phép nhập khẩu các loại tải trọng quá lớn không phù hợp với đường sá ở nước ta. Một khi các loại phương tiện có sức hủy diệt đường sá này còn hoạt động thì những con đường tiếp tục bị băm nát và bao nhiêu tiền của đóng thuế của dân khi đầu tư vào giao thông cũng sẽ tan thành bọt nước!
Đã đến lúc siết chặt xe quá tải là việc phải làm và không thể chậm hơn nếu muốn cứu những tuyến đường. Hiện nay, nhiều biện pháp cả về kỹ thuật và chế tài như: đầu tư thêm trạm cân xe, tăng cường kiểm tra “tốc độ”, kiểm tra hộp đen; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm... đã được triển khai thực hiện đồng loạt trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả thiết thực, đạt yêu cầu mục tiêu chính phủ đã đề ra thì các biện pháp này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ giữa ngành chủ quản và các ngành phối hợp.
Đặc biệt là phải xử lý triệt để vấn nạn chung chi để “mua đường” bằng việc ban hành quy định cụ thể về vấn đề này, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời cần phát động một cuộc vận động “nói không với chung chi” trong các lực lượng chức năng tham gia kiểm soát giao thông…
Hồng Anh