Mùa khô năm 2013:
Dự báo nhiều hộ ở khu vực nông thôn sẽ thiếu nước sinh hoạt
Thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT). Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, trong mùa khô năm nay, nhiều hộ ở khu vực nông thôn sẽ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT tỉnh, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết thực trạng của việc cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn tỉnh ta hiện nay?
- Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã xây dựng được 136 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) bằng trọng lực và động lực; các địa phương có nhiều CTCNTT là An Lão - 49 công trình; Vân Canh - 18; Vĩnh Thạnh - 17; Hoài Ân - 16; Phù Mỹ - 10 công trình…
Nhìn chung, các CTCNTT đạt chất lượng tốt, bảo đảm các quy định hiện hành và đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, có một số công trình khai thác kém hiệu quả, khâu quản lý vận hành kém nên không đáp ứng được yêu cầu cấp nước cho nhân dân trong vùng dự án. Theo thiết kế, 136 công trình kể trên có tổng công suất 44.920 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 403.910 người dân nông thôn. Qua kiểm tra thực tế, trong tổng số 136 công trình có 109 công trình đang hoạt động với tổng công suất 22.860 m3/ngày đêm, đạt 51% công suất thiết kế, số người được cấp nước sinh hoạt từ các CTCNTT là 238.120 người.
* Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng nhiều CTCNTT, nhưng công tác quản lý, khai thác CTCNTT còn nhiều hạn chế đã gây lãng phí lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Vấn đề này đã được khắc phục chưa, thưa ông?
- Phần lớn các CTCNTT đều do UBND huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư và giao cho UBND xã, HTX hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ, nhưng các thành viên quản lý CTCNTT thiếu chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành công trình. Có nhiều công trình xuống cấp, nhưng chính quyền địa phương chưa sửa chữa, bổ sung vật liệu phụ, hóa chất… nên công trình không phát huy hết công suất thiết kế, chất lượng nước ngày càng giảm.
Qua kiểm tra tổng thể 136 CTCNTT tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, chúng tôi phát hiện có 27 công trình bị hư hỏng không hoạt động. Điều đáng lo ngại hơn, nhiều CTCNTT có chất lượng nước sau khi xử lý chưa đảm bảo theo quy định. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, công tác vệ sinh bể lọc nước tại cụm đầu mối CTCNTT chưa được quan tâm. Khâu xử lý, khử trùng nước để điều chỉnh, cân đối các thành phần vô cơ, vi sinh vật và tiêu diệt vi khuẩn trong nước là rất quan trọng, nhưng nhiều đơn vị quản lý, khai thác công trình không thực hiện công đoạn này, hoặc có thực hiện nhưng không đảm bảo yêu cầu. Do đó, nguồn nước cấp cho dân sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn như thời điểm công trình mới đưa vào sử dụng. Điều đáng buồn là những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, vận hành các CTCNTT tại các địa phương đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
* Như vậy, trong tình hình nắng hạn như năm nay, hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn tỉnh ta sẽ gặp khó khăn hơn?
- Đúng vậy. Thời tiết nắng hạn kéo dài đã làm cho nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm ở khu vực nông thôn bị bốc hơi nhanh. Dự báo thời gian tới, có 11.386 hộ dân với 45.544 nhân khẩu ở khu vực nông thôn tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ bị thiếu nước uống và nước dùng cho sinh hoạt. Trong đó, huyện Tuy Phước có số hộ bị thiếu nước uống và nước sinh hoạt nhiều nhất với 3.450 hộ/13.800 nhân khẩu, tiếp đến huyện Hoài Nhơn có 1.500 hộ/6.000 nhân khẩu, Phù Cát 1.150 hộ/4.600 nhân khẩu, Phù Mỹ có 1.055 hộ/4.220 nhân khẩu…
Nguồn nước bị thiếu hụt, trong khi công tác quản lý, khai thác các CTCNTT chưa tốt, nguồn nước bị thất thoát nhiều, nên hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn trong mùa khô năm nay chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
* Tỉnh và ngành chức năng cùng các địa phương sẽ làm gì để hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn được tốt hơn, thưa ông?
- Năm nay, tỉnh ta sẽ đầu tư 22,13 tỉ đồng cho các hoạt động về NSVSMTNT, trong đó có 20,49 tỉ đồng sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, gồm xây dựng và nâng cấp 15 CTCNTT tại Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực vận hành CTCNTT; kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước sinh hoạt nông thôn; sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác CTCNTT đã xây dựng… để hoạt động cấp nước được tốt hơn, nhất là trong tình hình nắng hạn hiện nay.
Các chủ đầu tư các công trình cần nghiêm túc chấp hành các Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý công trình xây dựng và quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia NSVSMTNT giai đoạn 2012-2015 theo tinh thần Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần lựa chọn đơn vị giám sát công trình có kinh nghiệm trong lĩnh vực nước sạch giúp chủ đầu tư giám sát chất lượng công trình xây dựng; tư vấn chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung hồ sơ hợp lý nhằm bảo đảm cho công tác vận hành an toàn, dễ đạt yêu cầu về chất lượng nước sau xử lý. Thực hiện đúng quy trình giám sát đối với công trình cấp nước sạch.
Mặt khác, các địa phương cần điều chỉnh mô hình quản lý vận hành CTCNTT hợp lý, loại bỏ mô hình quản lý không phù hợp (mô hình UBND xã quản lý; cộng đồng quản lý công trình thiếu trách nhiệm để công trình hư hỏng, chất lượng nước thường xuyên không đạt yêu cầu). Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban quản lý NSVSMT để quản lý, vận hành công trình có quy mô nhỏ hơn 1.000 m3 nhằm mục đích tăng nhanh diện bao phủ cấp nước sạch, quản lý chất lượng nước, bảo đảm an toàn công trình…
Tỉnh ta cũng cần nâng cấp mô hình quản lý CTCNTT của Trung tâm NSVSMTNT như là một cơ sở bồi dưỡng cho công nhân quản lý vận hành công trình ở các địa phương; giao Trung tâm quản lý, vận hành các công trình có quy mô từ 1.000 m3 trở lên, để đảm bảo phát huy hiệu quả công trình. UBND tỉnh cần quy định chế tài đối với các đơn vị quản lý cấp nước vi phạm chất lượng nước.
Đối với các công trình đang thu phí nước, giá nước cần được tính đủ để bảo đảm được chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nhằm bảo đảm công trình hoạt động ổn định. Đối với những công trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thu được phí nước thì ngân sách tỉnh, huyện cấp bù để duy trì hoạt động, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên bảo đảm công trình hoạt động ổn định. Đề nghị tỉnh sớm điều chỉnh giá nước sinh hoạt vùng nông thôn cho phù hợp.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (thực hiện)